Theo dõi trên

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

30/05/2023, 05:16

Kinh tế tập thể (KTTT) được Đảng, Nhà nước ta xác định là thành phần kinh tế quan trọng. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới đã tiếp thêm động lực để các địa phương phát triển KTTT trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân và Bình Thuận cũng đang nỗ lực vì mục tiêu đó.

Hoạt động HTX còn khó khăn

Với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, KTTT mà tiêu biểu là các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển và ngày càng góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song thực trạng phát triển HTX vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Đến nay, toàn tỉnh có 208 HTX, trong đó: lĩnh vực nông nghiệp (143 HTX), thủy sản (17 HTX), giao thông - vận tải (10 HTX), thương mại dịch vụ (12 HTX), công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (2 HTX), xây dựng (1 HTX), Quỹ tín dụng (25 Quỹ). Tổng nguồn vốn hoạt động 3.324,962 tỷ đồng, doanh thu trong năm 2022 ước đạt là 964,68 tỷ đồng, lợi nhuận 35,2 tỷ đồng, tổng số thành viên HTX là 49.095 thành viên. Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX như: Hỗ trợ thành lập mới HTX, hỗ trợ về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo tập huấn; chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực trẻ làm việc tại các HTX… Những chính sách này đã tiếp thêm nguồn lực cho HTX phát triển.

z4385702184889_9fbde0bb5732053ae30c3f8ed9130a3b.jpg
HTX Thiện An với sản phẩm được  trồng theo công nghệ cao

Tuy nhiên, khu vực KTTT của tỉnh chưa phát triển như mong muốn. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn. HTX phát triển không đồng đều giữa các địa phương và chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng HTX tuy tăng, song số giải thể hoặc ngừng hoạt động cũng nhiều. Năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Hầu hết các HTX Nông nghiệp chỉ dừng lại ở khâu sản xuất. Khả năng liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ - chế biến và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế. Nhiều HTX chuyển đổi, tổ chức lại nhưng còn mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất…

Có lẽ vốn và con người là 2 yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của một HTX. Hiện nay, đa số các HTX có vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, sức cạnh tranh kém. Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn của các xã viên hạn chế, khó vay vốn trung hạn, dài hạn từ ngân hàng. Ngoài ra, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế... Hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó với nhau, sự liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các thành phần kinh tế khác chưa nhiều. Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan khiến nhiều HTX gặp khó khăn, nguyên nhân chính khiến nhiều HTX sớm giải thể là do năng lực của bộ máy hội đồng quản trị còn nhiều yếu kém.

z4385693611269_7d8e1ce11b557b1b5b916badd01f7281.jpg
Các sản phẩm đặc trưng của các HTX trong tỉnh

Nâng cao vai trò người đứng đầu

Mặc dù còn những hạn chế, tốc độ phát triển chưa cao, những năm gần đây, nhờ sự phát triển của Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đã từng bước đưa KTTT và đặc trưng là HTX từng bước được nâng lên và khẳng định vị thế, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn tỉnh đã có mặt rộng rãi ở thị trường trong nước. Đến nay, trên toàn tỉnh có 15 HTX có sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh; có 10 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có 4 HTX có sản phẩm chế biến sau thu hoạch từ trái thanh long (Hòa Lệ, Hàm Đức, VCCU, Thanh Bình) và 3 HTX có sản phẩm sau thu hoạch từ lúa gạo và những nông sản khác (Công Thành, Sen Núi, Đức Lan); 5 HTX có nhà sơ chế, đóng gói trái thanh long. Các sản phẩm ngày một vươn xa và có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương.

z4385693503524_60a401af5e47c8a7231586df45407184.jpg
HTX thanh long Hòa Lệ tại hội chợ nông sản thực phẩm  tổ chức tại Hà Nội.

Để phát triển KTTT một cách hiệu quả trong giai đoạn tới, Bình Thuận đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có hơn 5.400 tổ hợp tác, với khoảng 210.000 thành viên; gần 250 HTX với khoảng 5.000 thành viên, không có HTX tồn tại hình thức. Thành lập mới 2 liên hiệp HTX với khoảng 40 HTX thành viên. Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 5 - 6%/năm…

z4385693771450_34ab34b6a137ca70c3789ecec036e198.jpg
Chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới.

Để thực hiện mục tiêu trên, Liên minh HTX tỉnh cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn Luật HTX 2012 và Luật HTX sửa đổi bổ sung. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, dựa trên nhu cầu tự nguyện hợp tác của các thành viên…

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng là cấp ủy, chính quyền và người dân cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Từ đó tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT...

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả và bền vững
Nghị quyết số 20-NQ/TW (NQ 20) của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể