Cô Lê Lộc - giáo viên về hưu nhà ở Đức Thắng (Phan Thiết) nói: Hàng ngày đi chợ phải đối mặt với việc tăng giá, giờ lại lo sợ trước những thông tin thực phẩm bẩn nhưng lại giả hiệu thực phẩm sạch ngày càng nhiều, khiến gia đình cô kiêng khem đủ thứ. Rồi cô tỏ sự sốt ruột, những món ăn hàng ngày có mặt trên mâm cơm gia đình như thịt heo, bò, gà, rau, củ quả… khi mua làm sao biết cách nào phân biệt được thực phẩm bẩn và không bẩn bằng mắt thường. Cũng như người bán bây giờ nắm bắt tâm lý người mua hay hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của các mặt hàng, nên người bán đã nghĩ mọi cách trả lời để người mua cảm thấy tin tưởng đại loại như “an tâm đi, không có thuốc”, “làm gì có chất tạo nạc”… và họ luôn khẳng định là thực phẩm an toàn, sạch. Tuy nhiên, những thực phẩm sạch này lại không có gì rõ ràng chứng thực bảo đảm an toàn, nên các chị nội trợ như cô cứ hỏi nhau mua gì, ăn gì để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bữa cơm gia đình. Thiệt không biết tính sao, chỉ biết nhắm mắt mua và ăn bằng cả niềm tin. Cô Lộc than vãn.
Để lựa chọn được thực phẩm sạch có bữa ăn ngon bây giờ rất khó, vì nhiều người vẫn băn khoăn, lo lắng hiện nay thực phẩm bẩn cứ nhan nhãn khắp nơi mà nhìn vào không tài nào phân biệt được. Do vậy mới cần đến cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm khi phát hiện. Vì người tiêu dùng rất cần mua những loại thực phẩm đã được các cơ quan chức năng chứng thực về chất lượng cũng như đảm bảo tính an toàn để người tiêu dùng yên tâm.
M.Anh