Theo dõi trên

Tình người nơi chùa cổ

04/03/2022, 09:34

Giữa cánh đồng thanh long bạt ngàn của thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ nổi lên mái ngói đỏ tươi. Màu đỏ của trái thanh long không trùng với màu của mái ngói ngôi chùa Bình Sơn, nhưng không gian nơi đây giữa những ngày đầu xuân Nhâm Dần sắc màu thêm rực rỡ.

Trên con đường trải thảm bê tông xi măng, từng tốp người hành hương cùng lữ khách từ nhiều nơi đổ về Bình Sơn tự thắp hương bái Phật, cầu an ngày tết và tham quan công trình kiến trúc đặc sắc của ngôi chùa cổ; nhiều lữ khách từ miền tây lên hoặc từ Đà Lạt xuống cũng có dịp ngắm nhìn thỏa thích cánh đồng thanh long nặng trĩu trái đỏ. Chị Lê Thị Hồng Sen, ngụ tại tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Tôi đến đây nhiều lần rồi, nhưng bây giờ mới được chứng kiến cánh đồng thanh long chín đỏ; một số đám thanh long gần chùa người dân đang thu hoạch, tiếng cười, tiếng nói râm ran, tôi có cảm giác như họ vui mừng vì thanh long sau tết được giá hơn những ngày trước. Năm nào cũng vậy, chúng tôi đến Bình Sơn tự để thắp nén hương bái Phật, cầu mong cho cuộc sống bình an và hạnh phúc; đồng thời, góp một phần công sức, hiện vật cùng nhà chùa làm công tác từ thiện, giúp những mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống thường nhật…”.

Bình Sơn tự, tọa lạc trên diện tích rộng gần 3 ha khá bằng phẳng, một phần được xây dựng nơi thờ tự và một phần được trồng thanh long. Các cụ cao niên ở thôn Phú Phong cũng không nhớ rõ Bình Sơn tự được hình thành ngày tháng năm nào, chỉ biết rằng đây là ngôi chùa được người dân trong làng tạo dựng cách đây hơn 200 năm. Khởi nguyên chùa được dựng tạm bằng tre, vách ván và được vua Gia Long ban sắc tứ “Bính Sơn tự”. Nhà vua cũng đã tặng cho chùa một pho tượng Phật cao 0,8m và một tượng hộ pháp cao 0,6m bằng đồng, đến nay còn lưu giữ tại chánh điện. Mãi đến năm Tân Dậu ngôi chùa được trùng tu lợp ngói âm dương gồm hai tòa nhà chánh điện và nhà thờ tổ. Sau đó, chùa tiếp tục được trùng tu nhiều lần, nhưng qua những năm tháng chiến tranh Bình Sơn tự bị hư hỏng và có một thời gian dài bỏ hoang, chỉ một số ít cán bộ cách mạng lui tới hoạt động trong lòng địch. Lúc bấy giờ trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Minh Phú quyết không từ bỏ ngôi chùa nên bí mật bám trụ, đào hầm dưới chánh điện nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chùa Bình Sơn trở thành cơ sở bí mật của chi bộ đảng và là trạm xá cứu chữa thương binh của một mũi hoạt động cách mạng ở Hàm Thuận.

Đến mùa xuân năm 1991, ông Minh Ngộ (Đại Đức Thích Không Cảnh) tiếp quản trụ trì ngôi chùa đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng lại cơ ngơi thờ tự khang trang. Đại Đức Thích Không Cảnh chia sẻ: “Sau hơn mười năm xây dựng đến cuối năm 2017 chùa Bình Sơn mới được hoàn chỉnh, cơ ngơi gồm hai tòa nhà rộng rãi, khang trang, xung quanh cây cối xanh tươi. Những năm gần đây chùa tập trung làm công tác từ thiện, xã hội để cưu mang giúp đỡ người nghèo, những mảnh đời bất hạnh. Có lần chùa đã dành hẳn một gian nhà rộng cho những người vô gia cư làm nơi trú chân để họ tiếp tục con đường mưu sinh. Mặt khác, chùa thường xuyên vận động người dân đóng góp công sức, tiền, vật chất cùng nhà chùa đến vùng sâu, vùng xa giúp đỡ người dân còn nhiều khó khăn. Chỉ riêng trong năm 2020 và 2021 Bình Sơn tự đã quyên góp hơn 5 tỷ đồng trực tiếp cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, bị dịch Covid-19; giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hàng trăm phần quà trong dịp tết cổ truyền…”.

Có thể nói, Bình Sơn tự được nhiều người biết đến không chỉ là nơi tín ngưỡng bái Phật, cầu an mà còn là chốn nương tựa của rất nhiều người cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn. Sự bình yên và nét đẹp cổ kính cũng như thấm đậm tình người ở Bình Sơn tự đã tôn thêm vẻ đẹp của vùng quê nông thôn mới Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam). Không những thế, lữ khách đến Bình Sơn tự còn để chiêm ngưỡng lối kiến trúc, chạm trổ rồng, phượng trên mái, cột tinh tế, mới lạ.

S.HƯƠNG


(3) Bình luận
Bài liên quan
Tháng 3 tiếng hát
Tháng 3, tôi nhớ 8/3 ngày kỷ niệm Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình người nơi chùa cổ