Tình quê hương qua tập sách
21 bài viết của tác giả Phan Chính tập trung viết về quê hương Bình Thuận. Có những bài viết chung, giới thiệu cho người đọc về thuở ban đầu lập tỉnh, với nghề đi biển, lễ vật vùng biển, cá và mắm đặc trưng của Bình Thuận, cùng bài giới thiệu khái quát về những ngôi chùa cổ. Những nét đặc sắc của Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Tánh Linh, cùng những miền đất khác, với những địa danh, những cảnh sắc tươi đẹp, những nét tiêu biểu về văn hóa vùng miền đã được tác giả gởi gắm qua nhiều trang viết. Người đọc rất dễ nhận ra tình yêu quê hương đất nước nồng ấm và sâu đậm của Phan Chính bàng bạc trên từng trang ghi chép, hoặc ở những bút ký của anh. Tâm hồn thi nhân đã lưu lại ngay trên chính những tiêu đề bài viết của tác giả: Đồi trăng phế tích Phú Hài, Phú Quý đảo xanh biển ngọc, Dáng đá Cù Lao Câu, Hòn Bà nỗi buồn xanh, Bàu Trắng lung linh sắc nắng, Cảnh thiền Cổ Thạch Tự, Cung đường nối biển với đại ngàn, Hoài niệm sông Dinh, Thức với hải đăng Khe Gà, Hồn biển Tuy Phong, Cao sơn cổ tự Tà Cú, Phan Thiết – Đà Lạt, qua mấy ngã đường…
Những trang tư liệu hòa vào những chuyến đi điền dã
Có lẽ, những người viết về đất và người Bình Thuận luôn ý thức rằng: Mảnh đất thân yêu mà chúng ta sống, nghề nghiệp mà bà con Bình Thuận chúng ta làm, những nét văn hóa tiêu biểu của nhiều thế hệ người Bình Thuận, là sự kế tiếp, thừa hưởng và phát triển từ những gì đã có từ ngày xưa của cha ông. Để cho ra mắt những bài viết về những vùng miền khác nhau của Bình Thuận, tác giả Phan Chính đã dành nhiều thời gian tìm đọc, nghiên cứu cẩn thận những tư liệu cũ, những nguồn sách có độ tin cậy cao về mặt khoa học, mang tính chân thực, liên quan đến đất và người Bình Thuận của ngày xưa. Một trong những quyển sách mà tác giả Phan Chính đề cập nhiều lần, ở nhiều bài viết khác nhau trong tập Đất xưa Bình Thuận, đó là Đại Nam nhất thống chí, quyển số 12, viết về Bình Thuận, quyển địa chí văn hóa nổi tiếng, do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn. Đã có không dưới 6 bài viết nhà văn Phan Chính nhắc đến tác phẩm này (Đồi trăng phế tích Phú Hài, Chùa cổ Bình Thuận, Bàu Trắng lung linh sắc nắng, Hoài niệm sông Dinh, Thức với hải đăng Khe Gà, Nói về một địa danh…).
Ngoài Đại Nam nhất thống chí, nhà văn Phan Chính còn nghiên cứu những tác phẩm khác: Địa chí tỉnh Bình Thuận của tác giả E.Levadoux (xuất bản năm 1935), Địa bạ triều Nguyễn (Bình Thuận) của Nguyễn Đình Đầu (xuất bản năm 1996), Các Di tích lịch sử văn hóa Bình Thuận – Do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Thuận (xuất bản 2010), cùng những tư liệu khác.
Song không chỉ có những tư liệu trên sách vở. Để có những trang viết thấm đẫm hơi thở cuộc sống ngày nay, của những miền đất, cảnh trí giàu sắc màu của Bình Thuận, tác giả Phan Chính đã lặn lội đến những miền quê hương khác nhau, những cung đường, miền đảo xa, đến những cù lao phong phú sản vật biển, thức cùng với ngọn hải đăng, đến với những ngôi chùa cổ thâm nghiêm, tịch lặng, hoài niệm về dòng sông yêu thương, sống hòa mình vào nhịp thở của bà con, cảm nhận về quê hương, từ đó lưu lại những trang viết vừa sống động, vừa thi vị của anh.
Chất thơ trên từng trang viết
Trong 21 bài viết của tác giả Phan Chính ở tập Đất xưa Bình Thuận, không ít bài, vừa có nguồn tư liệu cả xưa lẫn nay, vừa là kết quả của những chuyến đi thực tế, lại đậm chất văn chương. Chất văn chương ấy, có lúc được biểu lộ ít nhiều từ tiêu đề bài viết; nhưng phần lớn, nằm ngay trong bản thân từng nội dung bài.
Tác giả Phan Chính đã trải lòng mình với đất trời, biển của Phú Quý ở bài Phú Quý đảo xanh biển ngọc: “Đứng trên đỉnh núi cao có thể nhìn bao quát một phần đất đai của đảo với nét đẹp hùng vĩ của biển trời, thấy lòng mình thật sự an nhiên như câu ví von của người dân đảo, đó là lầu “tứ phương vô sự”… Vịnh Triều Dương (xã Ngũ Phụng) có chiều dài bờ biển 2 km, bãi cát trắng mịn màng và rặng dừa xanh rợp mát cũng là điểm đến của khách phương xa để cảm nhận được cái không khí trong lành, đê mê của một góc trời kỳ diệu”.
Tác giả đã tiếp tục mô tả những cảnh sắc tươi đẹp của Bình Thuận ở bài Dáng đá Cù Lao Câu: “Chưa có quần thể đá nơi nào đủ hình dạng, sắc màu đem lại nhiều cảm xúc như ở đây. Nào tượng nữ thần sừng sững trông về dãy núi xa, nào cái nhìn đăm đắm vọng phu giữa bốn bề âm vang sóng biển… Rau muống biển nở hoa sắc tím trên bãi cát mịn màng đang ấp yêu những mảnh vỏ sò, vỏ ốc còn lấp lánh bọt sóng nghe rào rạo bước chân… Đêm ở trên đảo rất thơ mộng bởi âm vang tiếng sóng ru và nhận ra mình đang đong đưa theo vầng trăng tháng ba vằng vặc”.
Tác giả Phan Chính đã rất tinh tế, sâu sắc khi viết những dòng thơ mộng, tràn cảm xúc ở Hòn Bà nỗi buồn xanh: “Nhưng khi chiều xuống, nhìn ra biển rộng xa xa là ngọn hải đăng Khe Gà sừng sững trên màu xanh của biển, càng thấy Hòn Bà khắc khoải cô đơn hơn. Ở đây chỉ có gió mặn mòi se sắt nhưng khi lùa vào hốc đá, lùm cây lại trở nên thê thiết đến chạnh lòng, làm cho tiếng chim càng về khuya nghe ríu rít mỏng mảnh như sương”.
Với La Gi, Phan Chính rất nặng tình, để anh viết những dòng ký ức trong Hoài niệm sông Dinh: “Ngược dòng sông Dinh, đập Đá Dựng được xây dựng vào năm 1958 sau 1 năm thành lập tỉnh Bình Thuận nhằm nối 2 bờ với chiều dài khoảng 80m… Phần uốn khúc của sông hướng về phía trên của đập chừng 1 cây số là cảnh quan thiên nhiên kỳ thú bởi dòng nước trong xanh, đan xen những đá tảng lô nhô và lùm bụi cây rừng như một bức tranh thủy mặc… Dù trải dài với năm tháng, đời sông như một đời người, sông Dinh cũng trải bao nỗi thăng trầm nhưng vẫn giữ lại cho mình một góc trời tĩnh lặng, mộng mơ”.
Tác giả tập sách đã trải ngòi bút của mình trong những lời ngợi ca về vẻ đẹp của Bàu Trắng trong bài Bàu Trắng lung linh sắc nắng: “Thật khó tưởng tượng giữa một vùng đất khắc nghiệt về thời tiết, quanh năm khô hạn, mưa ít nắng nhiều phơi trần những đồi cát chập chùng chồm mình ra biển lại có một hồ nước rộng mênh mông đã có từ bao đời… Gió biển ở đây không ngừng nghỉ, từng chập thổi vào đã thay hình đổi dạng đồi cát bay Trinh Nữ với những gam màu, những đường nét huyền ảo lung linh”.
Phan Chính cũng đã đắm chìm trong cảnh sắc của quê hương, với một tâm hồn thật lãng mạn, để đưa anh đến với những dòng thật đẹp trong bài viết Cung đường nối biển với đại ngàn: “Hồ Đa Mi đẹp hơn bao giờ hết vào lúc trời chiều nghiêng nghiêng nắng. Rặng núi cao ngả bóng che phủ mặt hồ rộng thênh thang, lặng lẽ. Những chiếc bè nuôi cá tầm như nét chấm phá cho bức tranh thủy mặc bảng lảng mây trôi…”.
Khó có thể liệt kê hết những trang viết giàu tư liệu, tràn cảm xúc, lại đầy chất thơ của tác giả Phan Chính trong tập sách “Đất xưa Bình Thuận”. Một tấm lòng yêu quê hương sâu nặng, luôn đau đáu trong anh để Phan Chính dồn tâm trí của mình, trải lòng trên những trang viết về quê hương, gởi đến bạn đọc. Mong rằng, nhà văn Phan Chính tiếp tục rong ruổi trên những hành trình mới, để những độc giả còn tiếp tục được nghe những nghiên cứu, những câu chuyện, tâm tình khác của anh đối với quê hương.
Minh Trí