Theo dõi trên

Tội phạm tín dụng đen diễn biến phức tạp

18/06/2024, 05:05

Trong những năm gần đây, hoạt động cho vay tín dụng đen (nặng lãi) của các nhóm tội phạm đã và đang diễn ra rất phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Tại Bình Thuận, hoạt động cho vay tín dụng đen xảy ra ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nhiều biến tướng

Các đối tượng cho vay nặng lãi dán tờ quảng cáo ở những nơi công cộng, ở trong những con hẻm, trên những tường rào, trụ điện… với nội dung “Cho vay tiền nhanh, gọn, không cần thế chấp; chỉ a-lô là có tiền…”. Thủ tục cho vay các đối tượng này rất nhanh, chỉ cần vài tiếng đồng hồ là người vay có thể vay đúng số tiền mình muốn. Do nhu cầu vay vốn để kinh doanh, tiêu dùng thậm chí có những người do thua cờ bạc, muốn có tiền nhanh nên người dân đã vay tiền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ núp bóng như đại lý vé máy bay, dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe… Thủ tục đơn giản, không phải thế chấp giấy tờ có giá trị mà chỉ cần phô tô những giấy tờ không có giá trị như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu… Sau đó, các đối tượng cho vay nặng lãi làm hợp đồng vay mượn, trả góp hoặc mua bán trả góp xe mô tô, máy tính, điện thoại di động… với số tiền bằng số tiền người dân muốn vay. Tuy nhiên, các đối tượng này lấy lãi rất cao, khiến người vay tiền không thể trả hoặc có trả thì cũng tốn số tiền nhiều hơn gấp nhiều lần số tiền đã vay.

tin-dung-den.jpg
Tờ quảng cáo cho vay được công an thu giữ.

Sau một thời gian lực lượng công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ, bắt xử lý hành vi cho vay nặng lãi, các đối tượng thực hiện hành vi này đã chuyển đổi phương thức, cách thức cho vay tiền. Bọn chúng chuyển sang hoạt động cho vay trực tuyến (qua APP). Các đối tượng tạo ra nhiều ứng dụng trên điện thoại di động, trang Website để cho vay tiền. Các ứng dụng yêu cầu người vay tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại. Sau khi hoàn tất các điều kiện, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản nhưng chỉ nhận được 2/3 số tiền, còn lại trừ lãi và phí dịch vụ. Khi đến hạn trả nợ nếu chậm thời hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện “khủng bố” người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để ép người vay trả tiền hoặc chúng bôi nhọ hình ảnh người vay tiền, người thân lên mạng xã hội như Facebook, Zalo. Loại hình hoạt động cho vay này rất tinh vi, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện ra đối tượng phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý.

Các thỏa thuận vay thường không có giấy tờ biên nhận, hợp đồng vay mượn không thể hiện đúng lãi suất thực tế, thời gian xảy ra kéo dài, đan xen nhiều lần vay mượn, trả nợ và ký nhận hợp đồng vay mượn mới với nhiều đối tượng, điều này làm mất thời gian và khó khăn cho công tác thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội. Một số người đi vay sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp hoặc tham gia tệ nạn xã hội dẫn đến mất khả năng chi trả nên không hợp tác với cơ quan công an càng gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra, xử lý.

Không ngừng đấu tranh, ngăn chặn

Chỉ chưa hết 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Bình Thuận đã phát hiện, ngăn chặn 6 vụ, 11 đối tượng thực hiện hành vi cho vay tín dụng đen. Điển hình là vụ việc vào ngày 28/5, tại trụ sở Công an phường Phú Trinh, Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 3 đối tượng để điều tra về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Các đối tượng bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp gồm L.Q.Đ (SN 1999, trú huyện Sơn Tây, TP. Hà Nội), T.K.T.A (SN 1992, trú huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) và N.V.H (SN 1982, trú huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).

Trước đó, ngày 20/5, ông L.T.X. (SN 1968, trú tại phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) đến Công an TP. Phan Thiết tố cáo có một nhóm người cho vay nặng lãi. Ông X cho biết, từ ngày 30/3 - 9/5 ông X mượn của N.V.H 6 lần với tổng số tiền 300 triệu đồng bằng hình thức trả góp với lãi suất 27%/ tháng. Với hình thức tương tự, trong khoảng tháng 2 đến tháng 5 ông X mượn của 4 đối tượng khác gồm: T.K.T.A (200 triệu đồng), L.Q.Đ (250 triệu đồng), N.K.T (100 triệu đồng) và P.V.P (100 triệu đồng) tổng số tiền 650 triệu, bị các đối tượng thu lãi từ khoảng 26% đến 38%/tháng. Sau thời gian trả lãi và gốc đến ngày 9/5 thì ông X không còn khả năng trả nợ nên bị nhóm đối tượng trên đã nhắn tin, gọi điện đe dọa, khiến ông sống trong lo lắng, sợ hãi. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết đã vào cuộc điều tra, mời các đối tượng liên quan về làm việc. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã thừa nhận hành vi. Theo Cơ quan CSĐT, các đối tượng cho vay với lãi suất cao, trung bình hơn 26%/ tháng, thu lợi bất chính.

Qua vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo mỗi người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác nhận biết, không tham gia giao dịch đối với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen; tích cực báo tin, tố giác trực tiếp đến cơ quan công an hoặc trực tuyến qua các trang mạng xã hội của cơ quan công an về các trang web, số điện thoại có hành vi quảng cáo cho vay có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen; các hành vi khủng bố tinh thần, đe dọa để đòi nợ…

Trường hợp bị các đối tượng khủng bố, vu khống để đòi nợ, nạn nhân nên ghi âm các cuộc điện thoại, lưu giữ hình ảnh, tin nhắn chứa hình ảnh và thông tin vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm để làm chứng cứ phục vụ công tác điều tra. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng các trang mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại di động, người dân nên chú ý việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân tránh để các đối tượng thu thập, khai thác sử dụng vào mục đích xấu như đòi nợ, lừa đảo.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương thường xuyên phổ biến quy định của pháp luật về lãi suất, hụi, họ, biêu, phường. Công an tỉnh tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ để đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này, không để hoạt động phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Tiếp nhận, kịp thời xử lý theo đúng quy định các tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen đang thụ lý.

NGUYỄN LUÂN


(4) Bình luận
Bài liên quan
Bắt giữ đôi vợ chồng mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
BTO-Công an phường Đức Long, thành phố Phan Thiết vừa bắt giữ đối tượng Trần Thị Kim Thanh (SN 1989) ngụ khu phố 3, phường Đức Long về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tội phạm tín dụng đen diễn biến phức tạp