Theo dõi trên

Tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW: Đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế

12/05/2022, 05:04 - Lượt đọc: 276

Tại Hội nghị lần thứ 5 vừa bế mạc tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng – khóa XIII đã tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (NQ13) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đối với Bình Thuận, quá trình thực hiện NQ13 đã đạt được một số kết quả nhất định, song cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong thời gian tới.

cong-nghe.jpg
Ảnh: Đình Hòa

Kết quả và hạn chế

Năm 2002, Bình Thuận triển khai thực hiện NQ13 trong bối cảnh nền kinh tế có quy mô nhỏ, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, năng lực cạnh tranh thấp. Công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể chưa được tập trung đúng mức; nhận thức của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tập thể chưa sâu kỹ; còn tâm lý e dè, thiếu tin tưởng với mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu cũ... đã làm ảnh hưởng sự phát triển của kinh tế tập thể, HTX trong phạm vi toàn tỉnh.

NQ13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng - khóa IX đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 từng bước được hình thành, thay thế dần mô hình HTX kiểu cũ. Các HTX đã tập trung đổi mới phương thức quản lý, tiết kiệm chi phí, ổn định giá thành sản phẩm, tăng cường phân tích nhu cầu thị trường, tích cực liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung cấp các dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Nhiều HTX đã từng bước được củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các Quỹ Tín dụng nhân dân hoạt động khá hiệu quả, giữ được tỷ lệ vốn tín dụng an toàn, hoạt động không vượt mức cho phép. Cơ cấu cho vay tập trung phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, đó là: Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện NQ13 ở các cấp, các ngành, địa phương chưa thường xuyên, chưa kịp thời đề ra giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình củng cố, sắp xếp, đổi mới hoạt động của HTX. Việc củng cố, phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; công tác củng cố Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn chậm; các HTX phát triển chậm, thiếu vững chắc, chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa các ngành, lĩnh vực. Tính khả thi của phương án sản xuất, kinh doanh chưa cao, việc quản lý tài chính ở nhiều HTX chưa minh bạch, chưa được hạch toán theo quy định. Hiệu quả hoạt động của nhiều HTX còn thấp; số HTX sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều. Các tổ hợp tác chưa có kế hoạch, phương án hoạt động cụ thể; trình độ quản lý, năng lực điều hành đa số thành viên tổ hợp tác còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, khả năng tiếp cận chính sách của HTX, liên hiệp HTX còn hạn chế.

Nỗ lực hơn, quyết tâm hơn

Thời gian đến, xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa vẫn là xu thế chủ đạo. Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng, tạo ra nhiều cơ hội trong việc mở rộng thị trường, phát triển thương mại và các quan hệ kinh tế khác, góp phần tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, HTX có môi trường hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế cũng tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể, HTX phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và cách thức quản lý, tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa để phát triển hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 - khóa XIII, khi đề cập đến nội dung phát triển kinh tế tập thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “… Phải nhận thức rõ: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, liên minh hợp tác xã phải phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể...”. Do vậy trong thời gian tới, việc đầu tiên là các cấp, các ngành, các địa phương cần phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu và tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới; coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Tiếp tục khuyến khích phát triển bền vững kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, hỗ trợ, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thương mại, dịch vụ, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị; tạo điều kiện từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX hiện có, đồng thời rà soát tình hình hoạt động và phát triển kinh tế tập thể của từng địa phương, tập trung xử lý dứt điểm những HTX yếu kém, ngưng hoạt động và không theo nguyên tắc của Luật HTX năm 2012. Tập trung hỗ trợ các HTX mở rộng thị trường; huy động mọi nguồn vốn để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; tổ chức cho kinh tế tập thể, HTX tham gia vào các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… với mục tiêu đưa kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, năng động, hiệu quả, bền vững hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

BẢO TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hoạt động vận tải tăng cao trong những tháng đầu năm
Vận tải đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản đã trở về trạng thái bình thường, nhu cầu đi lại của người dân tăng trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp vận tải hành khách.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW: Đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế