Theo dõi trên

TP. Phan Thiết: Không thể chủ quan an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết

30/12/2016, 16:29

 BTO- Theo UBND TP. Phan Thiết, những năm qua (từ 2011 - 2016) trên toàn địa bàn đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 vụ ngộ độc vi sinh vật và 4 vụ bị độc tố tự nhiên khiến gần 160 người nhập viện, 1 người tử vong. Do vậy bước vào năm mới, vấn đề an toàn thực phẩm đối với TP. Phan Thiết càng không thể chủ quan khi dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang cận kề, lượng lớn du khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí sẽ tăng cao.

                
      Hải sản tươi sống bày bán ở Mũi Né - TP. Phan Thiết có được thường    xuyên kiểm tra

Dù các hoạt động về an toàn thực phẩm được thực hiện đảm bảo theo yêu cầu, chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành, song trên thực tế tại địa phương vẫn còn nhiều điều quan ngại. Theo nhận xét của UBND TP. Phan Thiết đa số phường - xã chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm, nên số lượng cơ sở được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện còn thấp. Bên cạnh đó, loại hình thức ăn đường phố xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng, nhưng lại thiếu kiểm tra chặt chẽ các vi phạm về điều kiện vệ sinh, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2016, các lực lượng chức năng ở TP. Phan Thiết đã tiến hành kiểm tra hơn 10.770 lượt, tập trung trên lĩnh vực dịch vụ ăn uống, buôn bán tạp hóa, cơ sở sản xuất, bếp ăn tập thể, giết mổ - kinh doanh gia súc, gia cầm. Tuy nhiên chỉ phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 52 cơ sở với tổng số tiền gần 120 triệu đồng về các lỗi vi phạm điều kiện vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm…

Dự báo vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân địa phương, các khu du lịch phục vụ du khách sẽ tăng cao. Chính vì vậy, Phan Thiết cần triển khai đồng bộ các giải pháp đem lại hiệu quả trong thực hiện công tác kiểm tra an toàn thực phẩm từ tuyến thành phố đến địa bàn phường - xã. Bởi đến nay, toàn thành phố mới có khoảng 60 điểm kinh doanh thực phẩm tươi sống được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thịt, hải sản, rau củ quả). Riêng sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, hiện TP. Phan Thiết có 92 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Với số lượng cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến nhỏ lẻ còn lại được triển khai ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, theo đó địa phương chịu trách nhiệm quản lý loại hình cơ sở này.

Trong tình hình hiện nay, triển khai công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn Phan Thiết đang đặt ra yêu cầu không để xảy ra trường hợp ngộ độc số đông, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Tuy nhiên thực tế cho thấy, cấp thành phố chưa đủ điều kiện chuyên môn để xác định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đa số chỉ kiểm tra bằng cảm quan. Thêm nữa, các biện pháp chế tài cũng chưa đủ sức răn đe, chấn chỉnh những hành vi vi phạm do hám lợi mà bất chấp tác hại ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rau củ quả, thịt, cá… thực phẩm sử dụng hàng ngày ngay tại các điểm chợ, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố.

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia
BTO-Sáng 5/11, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP. Phan Thiết: Không thể chủ quan an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết