Theo đó, phấn đấu năm 2024 trồng được khoảng 200.000 cây xanh phân tán (cả khu vực đô thị và nông thôn) cho giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố. Cụ thể, khu vực đô thị 100.000 cây; khu vực nông thôn 100.000 cây. Chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái cây trồng, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích, cây có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao.
Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, UBND các phường, xã tổ chức rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông; đất trồng cây xanh nông thôn, khu công nghiệp và các khu vực xung yếu khác; xây dựng kế hoạch trồng cây xanh phân tán năm 2024 để huy động nguồn lực thực hiện. Đảm bảo diện tích đất đai thuộc đối tượng trồng cây phân tán có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng. Diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức, hộ gia đình thì các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý và có kế hoạch cụ thể để trồng, chăm sóc cây xanh hàng năm. Đối với diện tích đất công, các công trình công cộng, đường sá, bờ kênh mương thủy lợi…thì UBND các phường, xã xem xét, tổ chức giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, hiệp hội, đoàn thể quần chúng tham gia trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây phân tán phù hợp với quy định và điều kiện thực tế.
Được biết, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch trồng 200.000 cây xanh cho năm 2024 khoảng 38,5 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện chủ yếu từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021- 2025; nguồn ngân sách chi thường xuyên được giao theo phân cấp ngân sách; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác...