Từ mô hình Hội An
Dù chỉ mới trải nghiệm 1 lần, nhưng những con người hiền hòa, chân chất nơi đây và cách họ làm du lịch khiến tôi thầm nhủ phải trở lại trong mùa hè này. Và tôi liên tưởng đến Bình Thuận, nơi mà hình ảnh thuyền thúng rất gần gũi và thân quen với số lượng cũng không hề nhỏ và có nhiều điểm thích hợp để làm. Vậy tại sao chúng ta không khai thác mô hình này làm điểm nhấn du lịch?
Rừng dừa Bảy Mẫu thuộc xã Cẩm Thanh, cách trung tâm TP. Hội An khoảng 3 km. Do đó, hầu hết du khách đã đến Hội An khó lòng bỏ qua tour tham quan rừng dừa. Gọi là Bảy Mẫu vì thời xưa khu rừng dừa này chỉ có 7 ha, đến nay diện tích khu rừng đã hơn 200 ha nhưng người dân nơi đây đã quen với tên gọi thân thương này. Vì nơi đây có dòng nước lợ rất thích hợp cho sự phát triển của dừa nước nên khu rừng dừa càng rộng lớn và xanh tốt hòa với hình ảnh sông nước hữu tình tạo cho du khách cảm giác như đang ở một tỉnh nào đó thuộc miền Tây hiền hòa, mộc mạc. Ngồi trên chiếc thúng tròn, chúng tôi được người dân địa phương điều khiển lướt nhẹ trên sông, tận hưởng những đợt gió mát rượi từ sông nước và rừng dừa bao la. Không riêng gì du khách trong nước, khách nước ngoài đặc biệt rất thích thú khi trải nghiệm tour thúng chai này. Ngoài dạo chơi, ngắm cảnh, chúng tôi còn được thưởng thức tiết mục biểu diễn thuyền thúng lạ mắt. Hầu hết mọi người đều trầm trồ, kinh ngạc trước khả năng giữ thăng bằng của người “nghệ sĩ” trên chiếc thuyền thúng chòng chành với chuyển động uyển chuyển, cực nhanh và đầy ấn tượng. Không chỉ vậy, chúng tôi còn được xem đua thuyền, nghe đờn ca tài tử, cải lương do ca sĩ miệt vườn biểu diễn trên sông và mục sở thị màn biểu diễn giăng lưới bắt cá tài tình của ngư dân nơi đây. Chưa hết, những du khách trước khi dạo chơi trên sông, còn được cô chú lái đò địa phương dành tặng những món đồ kỷ niệm từ lá dừa như: đồng hồ đeo tay, nhẫn, cào cào… do tự tay họ làm ra. Tuy chỉ là những món quà nhỏ nhưng lại thể hiện được sự dễ thương, nhiệt tình và ấn tượng của điểm đến du lịch. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng tour tham quan bằng thuyền thúng nơi đây được nhiều phản hồi tốt từ du khách trong và ngoài nước và vào mùa cao điểm lúc nào cũng “cháy tour”.
Nghĩ một tour về Bình Thuận
Ở Bình Thuận, du khách trải nghiệm bằng thuyền thúng không phải không có nhưng chỉ là tự phát, chưa được ngành chức năng tạo thành tour tham quan bài bản. Những năm trước đây, tại khu vực làng chài Mũi Né, nhiều khách nước ngoài được ngư dân nơi đây mời trải nghiệm thuyền thúng khi thấy họ tỏ vẻ thích thú. Ông Tư – 1 ngư dân có thuyền thúng chia sẻ: “Trước khi có dịch Covid – 19, khách nước ngoài đến làng chài đông lắm. Họ thích chụp hình bên thuyền thúng và xem hải sản vừa đánh bắt vô. Tôi thấy vậy có mời họ lên thúng chai rồi chèo cách bờ chừng vài chục mét cho họ trải nghiệm, tha hồ chụp hình. Khi vào bờ họ ngỏ ý trả tiền công, nhưng tôi không lấy”. Khu vực này nước êm quanh năm, là nơi neo đậu của nhiều tàu thuyền và là bến đỗ của hàng trăm thuyền thúng của ngư dân chuyên đánh bắt gần bờ. Do đó, phong cảnh nơi đây khá hữu tình, là điểm dừng chân của nhiều du khách khi đến Mũi Né tham quan, thưởng ngoạn. Nếu có tour trải nghiệm bằng thuyền thúng nữa thì quá tuyệt vời!
Không riêng gì khu vực làng chài, đảo Cù Lao Câu, hay Kê Gà mùa nước êm, mà đặc biệt là khu vực rừng ngập mặn giữa lòng thành phố Phan Thiết cũng là 1 điểm thích hợp để thiết kế tour. Nơi đây được nhánh sông cầu Ké bao quanh hình vòng cung tạo nên không gian tuyệt đẹp. Từ Cảng cá Phú Hải (phường Phú Hài) nếu đi bằng thuyền thúng đến khu rừng ngập mặn ngắm quần thể mảng xanh rộng lớn, mát mắt cũng vô cùng thú vị và độc đáo. Giữa rừng còn có các con lạch nhỏ, nhiều tôm cá, một số chim và cò về trú ngụ, tạo nên hệ sinh thái đa dạng, phong phú, rất thích hợp cho những du khách mê khám phá. Khi hình thành được tour, ngoài việc ngắm cảnh, cho du khách trải nghiệm sông nước, ngư dân cũng có thể biểu diễn “múa thúng”, giăng lưới bắt cá thêm phần sinh động hoặc cho du khách tập điều khiển thúng chai sao cho chiếc thúng tròn có thể tiến về phía trước… Ngoài ra, có thể kết hợp tham quan làng nghề làm nước mắm truyền thống, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn...
Để Bình Thuận có thêm tour trải nghiệm sông nước bằng thúng chai một cách bài bản, có tổ chức, cũng như làm mới sản phẩm du lịch trong tương lai, ngành chức năng cần có kế hoạch dài hơi, cụ thể khi du lịch trong tỉnh đang đà tăng tốc sau dịch với nhiều sự kiện nổi bật, nhiều dự án tầm cỡ và khách quốc tế sẽ trở lại Bình Thuận vào một ngày không xa.