Theo dõi trên

Trái tim người mẹ

21/07/2023, 06:13

Chị có một đứa con trai bị tự kỷ. Chị hay tâm sự với tôi để tìm sự đồng cảm. Mới hôm qua, chị gọi tôi đi uống cà phê, khóc kể về hành trình đưa con đi điều trị tự kỷ.

Chị kể hồi mới sinh thằng bé vẫn phát triển bình thường, rất lanh lợi dễ thương. Nhưng càng lớn chị càng lo lắng khi con có những biểu hiện lạ như thích chơi một mình, chậm nói. Khổ nỗi đang trong thời gian dịch bệnh lên cao điểm nên không thể đưa con đi chơi để tiếp xúc với nhiều người, chỉ “nhốt” con ở nhà tránh dịch bệnh thôi. Sau dịch, chị đăng ký cho con đi học mẫu giáo liền với hy vọng môi trường mới tiếp xúc nhiều bạn bè cùng trang lứa con sẽ hòa nhập với bạn, lanh lợi hơn. Ai dè khi đưa con đi học chị lại càng phát hiện ra con không giống những đứa trẻ bình thường khác. Trao đổi với cô giáo, cô cũng thẳng thắn bảo rằng con chị có dấu hiệu tự kỷ và khuyên gia đình nên đưa đi khám.

nuoi-con-tu-ky.jpg
Ảnh minh họa.

Không chấp nhận được sự thật này, chị đưa con đi khám với niềm tin rằng cô giáo nói sai, rằng con chị chỉ là bị chậm nói thôi. Khám một bệnh viện cũng không yên tâm, chị đưa con đi hai bệnh viện lớn nhất của thành phố khám chuyên khoa. Kết quả test của bác sĩ cho thấy con chị bị chứng kém tập trung, rối loạn ngôn ngữ. Chị cũng chưa chịu tin vào kết quả, tiếp tục đưa con tới trung tâm dạy trẻ tự kỷ để test. Kết quả một lần nữa khẳng định con chị bị tự kỷ, khó tập trung, khó giao tiếp với mọi người xung quanh. Lúc này chị mới chấp nhận sự thật phũ phàng này. Chị khóc cả đêm tự trách mình không quan tâm con, lúc nhỏ giao con cho bà nội để đi làm sớm nên ở nhà con coi điện thoại nhiều quá, chơi một mình nhiều quá mới ra nông nỗi này.

Sau khi chấp nhận sự thật, chị tự vực tinh thần mình dậy để lo cho con. Đầu tư cho con đi học ở trung tâm dạy trẻ tự kỷ, thuê giáo viên chuyên dạy trẻ tự kỷ về nhà dạy thêm vào buổi tối cho con. Tất cả tiền bạc trong nhà được dồn hết để cho con đi học mong muốn con sẽ sớm trở lại bình thường. Ban đầu kết quả cũng khả quan, con có tiến triển, biết bắt chước, nhận biết được một số con vật. Chị cũng thở phào vì mình đi đúng hướng, quyết tâm tằn tiện chi tiêu trong nhà để dồn tiền cho con học, dù có bán đất cũng phải chữa hết bệnh cho con.

Tưởng rằng gánh nặng giờ đây chỉ là lo kinh tế nữa thôi, ai dè học được nửa năm chị phát hiện con không còn tiến bộ như trước nữa. Mãi vẫn chưa nói được và cũng chỉ dừng lại ở việc bắt chước người lớn chứ chưa chịu giao tiếp chơi đùa cùng bạn xung quanh. Khi nói chuyện con cũng nhìn đi nơi khác chứ không nhìn thẳng vào người đối diện. Thấy vậy chị ngưng không cho con học trung tâm dạy trẻ tự kỷ nữa mà chuyển trường cho con về học mẫu giáo với hy vọng có nhiều bạn hơn con sẽ hòa nhập, chịu chơi với bạn. Lần này chị chọn trường cho xem camera trực tiếp để dễ dàng quan sát con hơn. Tận mắt chứng kiến con lủi thủi chơi một mình, cả ngày không mở miệng nói với bạn dẫu là những tiếng a a vô nghĩa, chị rơi nước mắt. Không khóc sao được, nhìn những đứa trẻ đồng trang lứa với con mình vui chơi, đùa giỡn với nhau vui vẻ thế kia trong khi con mình chẳng biết gì thì làm sao cầm được nước mắt.

Đêm nào chị cũng trằn trọc không ngủ được, vắt óc suy nghĩ làm thế nào để giúp con biết nói, giúp con hoạt bát hơn, chịu giao tiếp với mọi người. Chị bỏ ăn, bỏ ngủ vì lo lắng, buồn phiền. Áp lực của một người mẹ càng nặng nề hơn khi mọi người xung quanh ai cũng hỏi thăm con trai chị dạo này thế nào, đã biết nói chưa… Nhiều đêm chị khóc thầm, tự hỏi mình đã làm những chuyện xấu gì mà ông trời nỡ trừng phạt lên đứa con trai bé nhỏ tội nghiệp. Đau đớn rồi lại tự vực mình dậy để lo cho con, cứ vậy ngày nối tiếp ngày.

Tôi chỉ biết nhìn chị khóc. Tôi biết an ủi thế nào đây. Là một người mẹ tôi quá hiểu cảm giác bất lực này. Cả khoảng trời của mẹ là con. Cả tuổi thanh xuân của mẹ là con. Cả cuộc đời của mẹ là con. Người mẹ nào cũng yêu con bằng một tình yêu thiêng liêng bất diệt, cũng đều muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con. Người mẹ nào mà chẳng mong con mình giỏi giang, ngoan ngoãn. Thấy con thua thiệt bạn bè đã buồn lắm rồi huống gì thấy con không được bình thường như những đứa trẻ khác. Chị ôm tôi khóc bảo chị chẳng cần con học giỏi, chẳng cần con làm ông này bà nọ, chỉ cần con được bình thường, biết nói chuyện, biết chơi giỡn với bạn là được.

Động viên chị đừng nên nóng vội quá, việc phát triển của một đứa trẻ là cả một quá trình dài. Cứ kiên trì rồi sẽ thu được kết quả. Thấy chị tươi tỉnh ra một chút, cười được, lòng tôi cũng nhẹ bớt phần nào. Chị lại huyên thuyên nói về kế hoạch cho con đi học một trường mẫu giáo chất lượng, cô giáo có chuyên môn giỏi sẽ giúp con chị hòa nhập tốt hơn. Tôi cũng cầu chúc cho ước muốn của chị sớm thành hiện thực để không phải chứng kiến chị khóc nữa…

PHAN TRÚC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhớ lắm rau dại quê nhà
Khi nhắc đến rau dại, người ta thường nghĩ ngay đến các loại rau mọc hoang ở khu đất trống, quanh các bờ kênh hay ngoài đồng ruộng. Gọi là rau dại bởi chẳng có ai chăm sóc gì cả, chúng tự sinh sôi và phát triển tự nhiên rồi mang lại nguồn thực phẩm cho những bữa ăn của người dân ở quê.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trái tim người mẹ