Theo dõi trên

Tranh luận bầu cử tổng thống Pháp: Ông Macron tấn công, bà Le Pen điềm tĩnh

21/04/2022, 14:48

Hai ứng cử viên Tổng thống Pháp năm 2022 là ông Emmanuel Macron và chính trị gia theo đường lối cực hữu Marine Le Pen tối qua (20/4) đã có buổi tranh luận quyết liệt trên truyền hình để bảo vệ cương lĩnh tranh cử.

Giới phân tích nhận định, ông Macron đã chiếm ưu thế nhưng bà Le Pen đã có màn thể hiện tốt hơn so với cách đây 5 năm. Cuộc tranh luận trực tiếp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhân vật cực hữu Marine Le Pen, sự kiện được mong chờ nhất của cử tri Pháp, đã bắt đầu lúc 21h (giờ địa phương). 

ong_macron_the_hien_quyet_liet_hon_ba_le_pen.jpeg
Ông Macron thể hiện quyết liệt hơn bà Le Pen. Ảnh: Le Monde

Kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, hai ứng cử viên thể hiện sự khác biệt trong gần như tất cả các vấn đề. Cuộc tranh luận mở đầu với các chủ đề nóng về sức mua, vai trò của nước Pháp trong châu Âu, cuộc xung đột tại Ukraina và mối quan hệ với Nga hay cải cách hưu trí và cải thiện hệ thống y tế sau dịch bệnh. Tiếp theo là các chủ đề về khí hậu, công nghệ cao, kinh tế số, giáo dục và đào tạo, an ninh, nhập cư, đạo Hồi hay các cuộc trưng cầu dân ý… Sau cùng, là lời nhắn gửi tới cử tri về nước Pháp mà 2 ứng cử viên mong muốn xây dựng trong 5 năm tới.         

Bà Marine Le Pen được đánh giá đã có màn thể hiện tốt hơn so với cuộc tranh luận cách đây 5 năm. Ứng cử viên cực hữu đã tấn công vào bảng thành tích nhiệm kỳ nghèo nàn của ông Macron, đặc biệt vấn đề lạm phát với sự leo thang giá năng lượng, thực phẩm, mức sống suy giảm của người dân và mức nợ công ngày càng lớn:

“Ông Macron đã làm tăng thêm 600 tỷ euro nợ công, trong đó 2/3 số tiền này hoàn toàn không liên quan gì đến dịch bệnh Covid-19. Đây là con số do chính phủ công bố. Chính phủ cũng cho biết chỉ tiêu 145 tỷ euro cho đại dịch Covid-19", bà Marine Le Pen nói.

Trong khi đó, ông Emmanuel Macron cho rằng, bà Le Pen thiếu thành thật với cử tri khi đưa ra các cam kết về sức mua hay cải cách hưu trí nhưng thiếu giải pháp cụ thể, đi ngược các mục tiêu về khí hậu, thực hiện chính sách chống nhập cư và đặc biệt là thái độ thân thiện với nước Nga trước đây và duy trì quan điểm bài châu Âu:

 “Cách đây 5 năm, 80% chương trình tranh cử của bà ấy sẽ không thể thực hiện được nếu không ra khỏi khu vực đồng euro. Giờ đây, tôi vẫn hiểu rằng bà ấy vẫn thực hiện điều này vì chương trình tranh cử không có nhiều sự thay đổi, nhưng vấn đề là bà ấy không nói ra. Cá nhân tôi tin tưởng vào châu Âu và vào bộ đôi Pháp-Đức”, ông Emmanuel Macron nói.

Kết quả cuộc thăm dò nhanh ngay sau cuộc tranh luận cho thấy ưu thế đang tạm thời thuộc về Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi nhận được sự ủng hộ của 59% khán giả theo dõi, trong khi 39% bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen và 2% con lại bỏ phiếu trống./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Điểm mù” khiến Mỹ lo ngại khi chuyển giao vũ khí cho Ukraine
CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Mỹ có rất ít cách thức để theo dõi một số lượng lớn các loại vũ khí chẳng hạn như hệ thống chống tăng, hệ thống phòng không và nhiều loại đạn dược mà nước này chuyển giao cho Ukraine.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh luận bầu cử tổng thống Pháp: Ông Macron tấn công, bà Le Pen điềm tĩnh