Theo dõi trên

“Điểm mù” khiến Mỹ lo ngại khi chuyển giao vũ khí cho Ukraine

20/04/2022, 14:54

CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Mỹ có rất ít cách thức để theo dõi một số lượng lớn các loại vũ khí chẳng hạn như hệ thống chống tăng, hệ thống phòng không và nhiều loại đạn dược mà nước này chuyển giao cho Ukraine.

“Mọi thứ gần như là con số không”

Về ngắn hạn, Mỹ nhìn nhận việc cung cấp những lô vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD là vô cùng quan trọng nhằm tăng cường khả năng của Ukraine trong việc đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ ngày 19/4 cho biết “đó chắc chắn là lượng vũ khí lớn nhất mà Mỹ chuyển giao cho một nước đối tác đang có chiến tranh trong thời gian gần đây”. Nhưng theo các nhà phân tích quốc phòng và nhiều quan chức Mỹ, rủi ro là một số vũ khí có thể rơi vào tay quân đội của những nước khác hoặc các lực lượng khác mà Washington không có kế hoạch trang bị.

my-05535866.jpg
Mỹ có nhiều đợt viện trợ quân sự cho Kiev từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tấn công Ukraine. (Ảnh: AP)

Một nguồn tin tình báo Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã nắm bắt chính xác đường đi của những loại vũ khí đó trong một thời gian ngắn, nhưng khi nó được đưa vào một cuộc chiến tranh mọi thứ đều mù mờ, gần như là con số không”.

Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, khi đưa ra quyết định cung cấp vũ khí và trang thiết bị trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine, chính quyền Tổng thống Biden đã tính đến khả năng một số lô hàng có thể được chuyển đến những nơi không mong muốn. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, chính quyền coi việc không trang bị đầy đủ vũ khí cho Ukraine mới là nguy cơ lớn hơn.

Do quân đội Mỹ không có mặt trên thực địa nên Washington và NATO phụ thuộc rất nhiều vào thông tin do chính phủ Ukraine cung cấp. Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng, Kiev chủ yếu chỉ cung cấp những thông tin nói về sự cấp bách của tình hình để hối thúc các đối tác tăng cường viện trợ vũ khí và hỗ trợ cho họ nhiều hơn về mặt ngoại giao.

CNN dẫn một nguồn tin quen thuộc với tình báo phương Tây cho biết: “Đó là chiến tranh. Mọi thứ họ nói và làm một cách công khai đều được thiết kế để giúp họ giành chiến thắng trong một cuộc chiến. Mọi tuyên bố công khai, mọi cuộc phỏng vấn, cũng như sự xuất hiện của ông Zelensky đều là hoạt động tuyên truyền”.

Trong nhiều tháng qua, các quan chức Mỹ và châu Âu đã cung cấp thông tin chi tiết về những gì phương Tây nắm được liên quan đến tình trạng của các lực lượng Nga bên trong lãnh thổ Ukraine: chẳng hạn như phía Nga đã có bao nhiêu thương vong, sức mạnh chiến đấu của họ như thế nào, những loại vũ khí, đạn dược mà quân đội Nga đang sử dụng ...

Nhưng khi nói đến quân đội Ukraine, các quan chức thừa nhận, phương Tây đã có một số lỗ hổng về thông tin. Theo 2 nguồn tin thân cận với tình báo Mỹ và phương Tây, đánh giá của họ về tình trạng thương vong bên phía Ukraine rất “mờ mịt”. “Thật khó để theo dõi mà không có ai trên thực địa”.

Nguy cơ rủi ro khó lường

Chính quyền Biden và các nước NATO cho biết, họ đang cung cấp vũ khí cho Ukraine dựa trên những gì lực lượng Ukraine yêu cầu, từ tên lửa Javelin và Stinger đến hệ thống phòng không S-300.

Tên lửa Javelin và Stinger, súng trường và đạn dược sẽ khó theo dõi hơn các hệ thống lớn hơn như S-300, vốn được vận chuyển bằng đường sắt. Mặc dù Javelin được đánh số sê ri, nhưng có rất ít cách thức để theo dõi việc chuyển giao và sử dụng chúng.

Tuần trước Mỹ đã đồng ý cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí có khả năng sát thương cao mà một số quan chức trong chính quyền Biden từng cho là có thể gây nguy cơ leo thang xung đột, trong đó có máy bay trực thăng Mi-17, pháo hạng trung Howitzer 155 mm và máy bay không người lái cảm tử Switchblade. Nhưng phần lớn vũ khí này cũng rất khó theo dõi.

73004-soldierlaunchingswitchbladecaerovironment-873540-3434-07515941.jpg
UAV Switchblade là một trong những mẫu UAV tấn công nguy hiểm nhất hiện nay. (Ảnh: Flight Global)

Phát biểu với báo chí, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết: “Tôi không thể xác định chúng đang được đặt ở đâu trên lãnh thổ Ukraine và liệu người Ukraine có đang sử dụng chúng vào thời điểm này hay không. Họ không cho chúng tôi biết những viên đạn mà họ sử dụng đang bắn vào ai và vào lúc nào. Chúng tôi cũng không biết chính xác họ đã dùng UAV Switchblade ở mức độ nào”.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Những chiếc xe tải chở đầy vũ khí do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho Ukraine chủ yếu đi tới Ba Lan. Tại đó chúng sẽ được đón nhận và đưa vào lãnh thổ Ukraine. Phía Ukraine sẽ quyết định đưa chúng đi đâu và phân bổ tới những nơi nào bên trong đất nước”.

Quân đội Mỹ xem thông tin họ nhận được từ Ukraine nhìn chung là đáng tin cậy vì Washington đã huấn luyện và trang bị cho quân đội Ukraine từ 8 năm nay, phát triển mối quan hệ bền chặt. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có một số điểm mù, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến tình trạng hoạt động của hệ thống phòng không S-300 mà Ukraine tiếp nhận.

Ông Jordan Cohen, nhà phân tích chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện CATO nhận định, mối nguy hiểm lớn nhất liên quan đến việc ồ ạt chuyển giao vũ khí cho Ukraine là không thể xác định được những gì sẽ xảy ra với chúng khi chiến tranh kết thúc hoặc chuyển sang tình thế bế tắc kéo dài. Đây là rủi ro mà bất cứ quốc gia nào cũng cần cân nhắc khi cung cấp vũ khí cho nước ngoài.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã đưa vũ khí vào Afghanistan để hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang nước sở tại đối phó với Taliban. Tuy nhiên, một số đã bị bán trên thị trường chợ đen. Nhiều quan chức lo ngại chúng có thể được Taliban sử dụng để chống lại Mỹ. Và thực tế là phần lớn những vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Afghanistan giờ đây đã trở thành một phần trong kho vũ khí của Taliban sau khi chính phủ cựu Tổng thống Ashraf Ghani và quân đội nước này sụp đổ.

Trong khi đó, những vũ khí Mỹ bán cho Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã lọt vào tay chiến binh có liên hệ với al-Qaeda và Iran. Kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra tại Ukraine. Một số quan chức Mỹ lo ngại vũ khí của Mỹ sẽ rơi vào tay Nga. Một nguồn tin tình báo của phương Tây cho biết, Nga đang tích cực tấn công các chuyến hàng chở vũ khí của phương Tây đi vào lãnh thổ Ukraine. Hồi đầu tuần này, Moscow tuyên bố tuyên bố phá hủy cơ sở tập kết lượng lớn vũ khí phương Tây viện trợ Ukraine ở thành phố miền tây Lviv bằng tên lửa hành trình.

Trước đó (hôm 15/4), Nga gửi công hàm chính thức cho Mỹ, cảnh báo việc Washington và các đồng minh trang bị thêm vũ khí cho Ukraine có thể dẫn đến “những hậu quả khó lường”. Trong công hàm, Nga cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO vi phạm các nguyên tắc nghiêm ngặt khi quản lý việc chuyển vũ khí đến các khu vực xung đột, đồng thời cảnh báo nguy cơ vũ khí chính xác cao rơi vào tay các phần tử cực đoan ở Ukraine./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhật Bản tiếp tục cung cấp vật tư quốc phòng cho Ukraine
Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Kishi Nobuo ngày 19/4 cho biết Nhật Bản sẽ cũng cấp thêm cho Ukraine khẩu trang, trang phục phòng vệ và flycam theo yêu cầu của Kiev.
Nổi bật
Nhớ về tháng 4 lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Điểm mù” khiến Mỹ lo ngại khi chuyển giao vũ khí cho Ukraine