Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, hơn 400 học sinh, giáo viên các trường học trong tỉnh.
Hội thi sáng tác tranh với chủ đề “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương” năm 2024 được phát động từ tháng 3 đến tháng 10/2024, dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn toàn tỉnh. Qua 8 tháng phát động, Ban tổ chức nhận được 836 tác phẩm, của 53 trường học. Qua đánh giá, chấm tranh chọn được 64 tác phẩm đạt giải đảm bảo tính khách quan, đúng mục đích, ý nghĩa hội thi đề ra.
Tại lễ trao giải, ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: So với đợt tổ chức hội thi lần gần nhất vào năm 2021, Ban tổ chức nhận được 167 bức tranh, trong đó có 92 tranh của các em học sinh bậc tiểu học và 75 tranh học sinh THCS, thì năm nay số lượng tác phẩm tham dự rất ấn tượng, cho thấy sự quan tâm của các trường và học sinh có năng khiếu, đam mê hội họa. Hội thi đã tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát triển năng khiếu hội họa, kích thích tư duy sáng tạo, định hướng thẩm mỹ cho học sinh về di sản văn hóa, lễ nghi, lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ đó các em có tư duy hoàn thiện về nhân cách và yêu mến, trân trọng những di sản văn hóa quý báu của dân tộc.
Đánh giá về chất lượng tranh tại hội thi, ông Nguyễn Đức Hòa – Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban giám khảo cho rằng: Các tranh gửi về dự thi cơ bản thể hiện đúng chủ đề, nội dung, yêu cầu mà Ban tổ chức đặt ra. Rất nhiều tranh của các em bộc lộ năng khiếu thẩm mỹ khá tinh tế, hòa sắc rực rỡ, bố cục lạ mắt. Đặc biệt, một số em đưa vào tranh vẽ của mình những hình tượng họa tiết, mảng màu ngộ nghĩnh, đầy tính trang trí hồn nhiên, hàm chứa những cảm xúc chân thành của thế giới trẻ thơ. Tranh các em sử dụng nhiều chất liệu phong phú như màu nước, bột màu, chì sáp, chì màu hoặc vật liệu có sẵn là giấy dán, hạt đậu, gạo, vỏ sò, vỏ ốc, cát, sạn, vải, chỉ màu... gây bất ngờ thích thú với người xem.
Bên cạnh đó, khả năng thể hiện tư duy hình tượng và cảm xúc, tình cảm trong tranh vẽ được phát triển theo từng lứa tuổi. Ở bậc tiểu học, tranh vẽ của em rất ngộ nghĩnh, màu sắc vui tươi, nét vẽ đơn giản không gò bó không có nhiều chi tiết nhưng ngập tràn cảm xúc, trí tưởng tượng bay bổng. Các em bậc THCS, lứa tuổi này đã có khả năng quan sát phân tích và nhận xét chính chắn hơn, biết nhìn cấu trúc của hình để sắp xếp bố cục, nhiều em thành thạo xử lý chất liệu.
Ông Nguyễn Đức Hòa cũng tin tưởng nếu có thêm sự hỗ trợ của hệ thống giáo dục về bộ môn mỹ thuật, lớp năng khiếu của các huyện, thị, thành phố sẽ tạo điều kiện giúp các em phát huy năng khiếu mỹ thuật và tạo sự phát triển mạnh mẽ trong phong trào vẽ tranh thiếu nhi của tỉnh.
Kết quả, ở tranh khổ A3 bậc tiểu học, Ban tổ chức đã trao giải A cho em Võ Ngọc Thùy Linh (Trường tiểu học Bình Hưng), với tác phẩm “Rộn ràng hội Chăm”; tranh khổ A1, giải A thuộc về tác phẩm “Dâng lễ” Trường tiểu học Bình Hưng. Bậc trung học cơ sở, giải A tranh khổ A3 thuộc về em Mai Bảo Trân, Thông Thị Bích Phượng (Trường THCS Phú Lạc) với tác phẩm “Tháp Chăm mùa lễ hội”; giải A tranh khổ A1 là em Lâm Tiền Vân Dung (Trường THCS Hùng Vương) với tác phẩm “Xóm biển Cồn Chà”. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải B, C và khuyến khích cho tác phẩm đoạt giải.
Được biết, những tác phẩm đạt giải sẽ được đơn vị sử dụng đưa đi trưng bày lưu động tại các trường học trên địa bàn tỉnh trong những năm tới và trưng bày tại di tích tháp Pô Sah Inư phục vụ du khách đến tham quan, thưởng lãm; góp phần vào việc quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, hình ảnh và con người Bình Thuận đến với công chúng.