Theo dõi trên

Tre xanh trên đất bạc màu

23/01/2024, 09:20

Những ngày này về thăm xã Tân Phước, thị xã La Gi, ai ai cũng đều vui mừng phấn khởi trước một vùng đất đang “thay da đổi thịt” từng ngày bởi nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình trong đó phải kể đến là mô hình trồng tre tứ quý lấy măng của gia đình ông Hồ Văn Quốc Việt ở thôn Thanh Linh, xã Tân Phước.

Vườn tre xanh tốt trên mảnh đất bạc màu.

Trên mảnh đất bạc màu ấy, dưới sự nỗ lực, “chịu thương chịu khó” của người nông dân, nay trở nên xanh mướt bởi màu xanh tươi mát của tre. Dẫn chúng tôi tham quan vườn tre rợp bóng mát, ông Việt trải lòng về cơ duyên với cây tre tứ quý. Trước kia, trên mảnh đất rẫy rộng hơn 1,7 mẫu này, gia đình ông chủ yếu trồng keo lá tràm nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này không cao nên cách đây 3 năm ông quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng tre tứ quý. Và bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhờ đó gia đình ông cũng có cuộc sống ấm no, sung túc hơn.

Ông Hồ Văn Quốc Việt – Nông dân thôn Thanh Linh, xã Tân Phước, thị xã La Gi

Măng tre tứ quý có đặc điểm: Vỏ xanh, không lông, thịt trắng, không có hậu đắng như các loại măng khác, khi luộc qua lửa măng có màu vàng tự nhiên. Nhờ trồng hoàn toàn tự nhiên, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, măng được thu hoạch trong ngày, đảm bảo độ tươi ngon, nên măng nhà ông Việt rất được khách hàng ưa chuộng.

Ông Việt phấn khởi chia sẻ: “Nếu trồng đúng kỹ thuật thì tre tứ quý sau 8 tháng sẽ cho thu hoạch măng, sản lượng tăng dần theo các năm. Một trong những ưu điểm của giống tre này là cho thu nhập quanh năm nên người nông dân có thu nhập ổn định. Măng cao khoảng 3 tấc là có thể thu hoạch”.

Với 500 bụi tre, cứ cách 2 ngày là gia đình ông Việt thu hoạch 1 đợt măng từ 500 đến 550 kg với giá bán măng thô là khoảng 10.000 đến 15.000 đồng/kg và giá bán măng thành phẩm là từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện nay, thị trường tiêu thụ măng khá ổn định, sau khi thu hoạch xong là người trồng bán rất nhanh, nhất là trong thời điểm gần Tết Nguyên đán như hiện nay thì khách hàng đặt mua măng còn nhiều hơn nữa.

Ông Việt chia sẻ bí quyết trồng tre tứ quý không đòi hỏi kỹ thuật cao bởi đây là giống tre khá dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chỉ cần người trồng tưới nước, bón phân đầy đủ là cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Tre tứ quý hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Trồng tre tứ quý lấy măng là cách kiếm tiền theo kiểu “làm chơi, ăn thật” vì công sức của người trồng bỏ ra không nhiều nhưng mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân. Tre tứ quý còn là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và là hướng đi mới, có nhiều triển vọng đối với bà con nông dân xã Tân Phước, thị xã La Gi. Thời gian tới, gia đình ông Hồ Văn Quốc Việt tiếp tục duy trì và phát triển mô hình trồng tre tứ quý lấy măng. Bên cạnh đó, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm từ măng để cung ứng cho thị trường.

Có thể thấy, mô hình trồng tre tứ quý lấy măng đã giúp đa dạng hóa cây trồng trên địa bàn thị xã La Gi, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế.

RẠNG ĐÔNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Một năm khó khăn cho tôm giống Bình Thuận
Năm 2023, mặc dù theo số liệu từ ngành chức năng sản lượng tôm giống đạt 25,5 tỷ/KH 25,5 tỷ post (đạt 100% KH), bằng xấp xỉ so cùng kỳ. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh nhận định tình hình tiêu thụ tôm giống trong năm gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng giá tôm thịt trên thế giới và thị trường trong nước giảm, mức tiêu thụ và xuất khẩu giảm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tre xanh trên đất bạc màu