Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam tại huyện Tuy Phong. |
Ông Cao Đức Cường - Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định: Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền các nội dung về dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết 21, chi cục đã tập trung duy trì mức sinh hợp lý, tăng cường tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh. Để “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế”, trung bình số con của mỗi bà mẹ khoảng 2,0-2,1 thì phải áp dụng các biện pháp KHHGĐ, tức là không thể “từ bỏ KHHGĐ”. Chính vì vậy, chi cục đã thực hiện có hiệu quả chiến dịch truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) (gọi tắt là chiến dịch). Cụ thể, chỉ đạo các Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện chủ động phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức các đợt dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tại huyện Tánh Linh, đã tổ chức chiến dịch tại 10/14 xã của huyện để tư vấn và khám phụ khoa gần 2 ngàn phụ nữ ở tuổi sinh đẻ. Huyện Hàm Thuận Nam tổ chức 2 lớp truyền thông, tư vấn CSSKSS cho gần trên 100 phụ nữ. Thị xã La Gi đã tổ chức tư vấn nhóm, tư vấn vãng gia cho gần 2.500 lượt người; tổ chức gần 40 buổi tư vấn tại trạm y tế cho trên 1 ngàn bà mẹ mang thai. Song song, tuyên truyền trực tiếp cho các đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên, vận động ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên; phối hợp với Hội Kế hoạch hóa gia đình triển khai chiến dịch cho 3 xã, phường. Riêng tại Đức Linh, UBND huyện đã chỉ đạo và hỗ trợ tổ chức chiến dịch đợt 1 tại 11/13 xã, thị trấn. Đồng thời, phối hợp với hội phụ nữ, y tế tổ chức tuyên truyền lồng ghép về CSSKSS/KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại một số xã, thị trấn có tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao. Thông qua chiến dịch, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức và hành vi, tự nguyện sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sinh ít, sinh thưa để có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con cho tốt. Đồng thời, phụ nữ vùng cao đã xóa bỏ được tâm lý e ngại khi thực hiện các biện pháp KHHGĐ.
Thời gian tới, công tác dân số - KHHGĐ của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn lệ thuộc vào phong tục, tập quán nên việc tuyên truyền, vận động còn nhiều trở ngại. Do đó, chi cục xác định sẽ có những giải pháp tích cực, nhất là đối với lĩnh vực CSSKSS. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 một cách bền vững, tăng khám, điều trị phụ khoa và quản lý thai nghén. Cùng với đó, da dạng các loại hình cung cấp dịch vụ và tư vấn tốt CSSKSS/KHHGĐ, bảo đảm cung cấp đầy đủ các biện pháp tránh thai thông qua hệ thống cung cấp dịch vụ tránh thai của ngành y tế. Huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể để chiến dịch đạt kết quả cao, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu chiến lược dân số của tỉnh trong những năm tiếp theo.
KIM ANH