Theo đó, đề án được triển khai tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh từ nay đến hết năm 2030. Đối tượng triển khai gồm: Thanh niên, học sinh, sinh viên đang học chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp trong các cơ sở GDNN. Cán bộ quản lý, nhà giáo đang làm việc và giảng dạy trong các cơ sở GDNN. Mục tiêu cụ thể là 100% các cơ sở GDNN được tuyên truyền nâng cao nhận thức về đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN. Phấn đấu đến hết năm 2030, 100% các trường cao đẳng, 80% các trường trung cấp, 45% các trung tâm GDNN tổ chức đào tạo, lồng ghép đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên GDNN. Đồng thời, hình thành mạng lưới, liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở GDNN trong việc đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên, học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, nhà giáo và các cơ quan, tổ chức về đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Xây dựng, biên soạn chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng mềm dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, thanh niên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo làm công tác đào tạo và phát triển kỹ năng mềm. Khuyến khích, huy động, lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN, các chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp có kinh nghiệm về ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo tham gia giảng dạy cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN. Nghiên cứu mô hình, thí điểm đào tạo và phát triển kỹ năng mềm. Khảo sát, xây dựng nội dung, hình thức triển khai và nghiên cứu thí điểm đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN...