Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra, khiến bao gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, tàn tật mà nguyên nhân chính do “ma men” cầm lái. Tai nạn giao thông trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi tham gia giao thông, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Công an đã ban hành nhiều, hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm nhưng ý thức tuân thủ luật của một bộ phận người dân, kể cả cán bộ, công chức, viên chức chưa cao.
Tại Bình Thuận, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, tai nạn giao thông toàn tỉnh tăng cả 3 tiêu chí. Cụ thể: tăng 27 vụ (61,4%), tăng 23 người chết (88,5%) và tăng 11 người bị thương (37,9%) so cùng kỳ năm 2020. Tai nạn giao thông đều tăng ở hầu hết các địa phương, có nơi tăng cao đột biến như TP. Phan Thiết 400%, thị xã La Gi 200%; các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý tăng 100%, Hàm Thuận Bắc tăng 75%, Hàm Tân tăng 60%. Tai nạn giao thông xảy ra tập trung trên quốc lộ 1A, các tuyến đường đô thị và phần lớn do mô tô - xe gắn máy gây ra. Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện, người đi bộ không chấp hành các quy tắc giao thông như qua đường không quan sát, không nhường đường, vượt không đúng quy định. Và trong số các vụ tai nạn nói trên vẫn xảy ra tình trạng uống rượu, bia điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông, xe máy tông vào đuôi xe ô tô đi cùng chiều.
Trước tình hình cấp bách đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp. Đó là tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, lái xe chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Phối hợp giám sát nội dung việc chấp hành quy định “Đã uống rượu bia - không lái xe”; và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để làm gương. Cùng với đó Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông năm 2021 tại các địa phương xảy ra tai nạn giao thông tăng trong 2 tháng đầu năm. Qua kiểm tra của Đoàn liên ngành sẽ đánh giá nguyên nhân tai nạn giao thông tăng cao, trách nhiệm của địa phương và đề xuất biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian đến.
Nhớ lại những ngày đầu của năm 2020, khi Nghị định 46 có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông ra quân xử lý và áp dụng mức phạt rất cao đối các hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Khi ấy ai cũng thấy rõ là số người vi phạm giảm rõ rệt, kéo theo đó là số vụ tai nạn cũng giảm dần. Cái lợi hiển nhiên rõ mồn một, vì nghị định ra đời, nhằm chế tài những hành vi lệch chuẩn, và dùng biện pháp phạt nặng về kinh tế để mọi người thay đổi nhận thức, thói quen xấu lâu nay: Uống rượu bia vẫn lái xe.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19 xảy ra năm trước thì việc kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi chùng xuống. Các nhà hàng, quán nhậu sau một thời gian tạm nghỉ vì dịch bỗng trở nên nhộn nhịp hẳn, hình ảnh đó mọi người đều có thể dễ dàng bắt gặp khi dạo quanh thành phố về đêm. Tất nhiên, không phải tất cả những vụ tai nạn giao thông đều xuất phát từ rượu bia, nhưng các loại thức uống chứa cồn này là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các vụ tai nạn. Bởi cầm lái trong trạng thái lâng lâng, đầu óc không tỉnh táo sẽ dẫn đến việc thao tác, xử lý tình huống trên đường không kịp thời.
Đợt ra quân kiểm tra xử lý lái xe có nồng độ cồn kéo dài đến cuối năm, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo mọi người thực hiện nghiêm quy định: “Đã uống rượu bia – không lái xe”. Và chỉ khi đánh mạnh vào “hầu bao” của người vi phạm, việc tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông sẽ được cải thiện tốt hơn.
Như NguyỄn