Theo dõi trên

Trợ giúp pháp lý: Đâu chỉ phổ biến pháp luật

12/04/2018, 08:23

BT- LTS: Trợ giúp pháp lý là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, vì trên thực tế có nhiều đối tượng yếu thế khi gặp các vấn đề liên quan đến pháp luật rất cần được trợ giúp. Chính sách trợ giúp pháp lý đã trực tiếp hỗ trợ cho các tỉnh, thành đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại cơ sở. Qua đó đóng góp tích cực trong việc giảm nghèo và nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân.

                
 Một buổi tuyên truyền pháp luật cho    ngư dân của Bộ đội Biên phòng tỉnh. Ảnh: Đ.Nhượng    

Trong các phiên tòa xét xử các vụ án từ hình sự, dân sự cho đến hôn nhân gia đình, thừa kế, tranh chấp đất đai… luôn có sự xuất hiện của đội ngũ luật sư, các trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, tư vấn viên. Đây là điều thể hiện sự tôn trọng quyền con người, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế, do điều kiện kinh tế, hoàn cảnh, nhân thân nên đã được tòa chỉ định, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp.

Luật cũng quy định rõ các trợ giúp viên, khi thực hiện nhiệm vụ không được đòi hỏi bất kỳ một khoản lợi ích vật chất nào từ người được trợ giúp. Tất nhiên đằng sau công việc ấy có một khoản bồi dưỡng tự nguyện của thân nhân gia đình người được trợ giúp pháp lý, thể hiện sự biết ơn các trợ giúp viên lại hoàn toàn khác hẳn với việc nhận lợi ích vật chất.  Vì trong thực tế, đa số người được trợ giúp pháp lý đều có hoàn cảnh rất khó khăn, bởi vậy Nhà nước đã đứng ra “bao cấp” khoản này. Đó cũng là nét ưu việt của Nhà nước pháp quyền XHCN hướng đến bảo vệ công dân của mình.

Trợ giúp pháp lý ở tỉnh ta trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, với một trung tâm chính tại thành phố Phan thiết và 3 chi nhánh ở La Gi, Đức Linh và Bắc Bình, phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân trong tỉnh. Trong chuyến kiểm tra mới đây của Cục Trợ giúp pháp lý tại Bình Thuận đã đánh giá: Công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng có chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực tham gia tố tụng; trình độ chuyên môn của các trợ giúp viên pháp lý được nâng cao; chất lượng hồ sơ vụ việc được đảm bảo. Tuy nhiên, tỷ lệ đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu về trung tâm chưa nhiều so với số các vụ án cũng như số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý còn cao.

Hoạt động trợ giúp pháp lý nhìn chung ở khu vực đồng bằng, thành thị diễn ra thu hút được người dân, song một số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa biết về quyền được trợ giúp pháp lý của bản thân. Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều nơi, nhiều vùng miền. Công tác truyền thông, phổ biến về trợ giúp pháp lý hiệu quả chưa được như mong muốn; dịch vụ pháp lý miễn phí ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý chưa cao hoặc chưa đến được với người được trợ giúp pháp lý.

Những tồn tại trên là do đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở xa trung tâm, huyện lỵ, đi lại gặp khó khăn. Để giúp đối tượng này tìm hiểu về pháp luật trợ giúp pháp lý hoặc nơi tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, rất cần có các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý giải đáp những vướng mắc pháp luật cho họ.

Xu hướng đào tạo các trợ giúp viên pháp lý biết tiếng đồng bào là việc cũng nên tính đến trong tương lai gần. Vì số lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý biết tiếng dân tộc còn hạn chế, nên ảnh hưởng nhất định đến trường hợp thông tin pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số phải thông qua lực lượng cán bộ tại chỗ, hiệu quả chưa cao.

Các chính sách của Nhà nước về phát triển vùng cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa đã triển khai từ rất lâu.  Hạ tầng tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, đã được cải thiện một bước, nhưng việc phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý với họ vẫn còn một khoảng cách. Gần đây nhất là việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trong tỉnh đang được triển khai mạnh mẽ, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng không xâm phạm lãnh hải của nước bạn. Mục tiêu hướng đến của Nhà nước là tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho mọi người dân hiểu biết và tuân thủ pháp luật. Còn trợ giúp pháp lý là việc chẳng đặng đừng, là điều ít ai mong đợi sẽ xảy ra với mình trong cuộc sống.

 Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trợ giúp pháp lý: Đâu chỉ phổ biến pháp luật