Theo dõi trên

Trồng các loài cây bản địa để khôi phục rừng Núi Ông

30/01/2018, 08:40

BT- Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Núi Ông là nơi có đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Chính vì vậy, việc quản lý và bảo vệ rừng ở Khu BTTN Núi Ông có ý nghĩa quan trọng cho việc bảo tồn đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế sức phá hoại của thiên tai…

Nhiều diện tích bị xâm lấn

Khu BTTN Núi Ông có diện tích 25.327 ha, gồm 32 tiểu khu, nằm trên địa bàn các xã Đức Bình, Đức Thuận, Gia Huynh, La Ngâu, Suối Kiết, thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh) và xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam). Trong đó quy hoạch rừng đặc dụng 24.017 ha và quy hoạch rừng sản xuất 1.310 ha. Thời gian qua, Khu BTTN Núi Ông gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng do thực trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trong khu bảo tồn. Điểm nóng là 1.045,87 ha thuộc diện tích của Khu BTTN Núi Ông đang có sự xâm lấn của người dân để trồng cây công nghiệp dài ngày và sản xuất lương thực.

Tình trạng xâm lấn, xâm canh và chuyển đổi mục đích sử dụng tại Khu BTTN Núi Ông vẫn tiếp tục diễn ra, chủ yếu trên phần diện tích rừng thuộc địa bàn các xã Đức Thuận, Suối Kiết, Gia Huynh của huyện Tánh Linh. Ban quản lý Khu BTTN Núi Ông cho biết, với 1.045,87 ha đất rừng đặc dụng bị phá, lấn chiếm trái phép đến nay vẫn chưa thể thu hồi. Hầu hết các diện tích này đã được người dân trồng cây cao su, mì, điều và thanh long… 

Thí điểm đề án

Hướng đến việc quản lý rừng bền vững, giảm áp lực của người dân đối với rừng đặc dụng, Sở Nông nghiệp & PTNT đã thực hiện chính sách đồng quản lý rừng đặc dụng tại Khu BTTN Núi Ông. Đề án “Thí điểm mô hình các loài cây bản địa để khôi phục lại rừng và kết hợp trồng cây kinh tế dài ngày tại Khu BTTN Núi Ông”, nhằm thiết lập cơ sở cho việc xây dựng cơ chế phục hồi lại rừng, trên diện tích đất bị xâm lấn trồng cây công nghiệp dài ngày và sản xuất lương thực. Qua đó, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng Núi Ông, cải thiện sinh kế cho người dân vùng đệm. Mục tiêu cụ thể của đề án là thiết kế được mô hình thí điểm trồng cây bản địa để phục hồi lại rừng kết hợp trồng cây kinh tế dài ngày như cây điều ghép trên diện tích 1.045,87 ha rừng đặc dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Khu BTTN Núi Ông. Thiết kế được mô hình đồng quản lý rừng giữa các bên liên quan nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực, hướng tới bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Theo đó, đề án sẽ rà soát toàn diện tích trên 1.000 ha rừng đặc dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Khu BTTN Núi Ông để triển khai thiết kế mô hình thí điểm. Đồng thời, thiết kế mô hình trồng các loại cây bản địa để khôi phục lại rừng kết hợp với trồng cây kinh tế dài ngày. Dự kiến 5 loại cây bản địa thích hợp, gồm cây ươi, tràm trắng, thanh trà, nhân sâm và đinh lăng. Mới đây, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh phối hợp với Viện Sinh thái rừng và môi trường đã tổ chức tham vấn đề án này, cùng sự tham gia của đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Tánh Linh. Dự kiến mô hình sẽ được thực hiện từ năm 2019 đến 2023 với tổng kinh phí khoảng 22 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, Ban quản lý Khu BTTN Núi Ông cùng UBND huyện Tánh Linh cần phối hợp xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu BTTN Núi Ông đến năm 2020 tận từng thôn, xã có diện tích rừng và đất lâm nghiệp nằm trong ranh giới khu bảo tồn. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt cho các hộ dân sống trong và gần rừng. Việc thực hiện đề án Thí điểm trồng các loài cây bản địa để khôi phục lại rừng kết hợp với cây kinh tế dài ngày, giúp giải quyết khôi phục lại rừng trên diện tích đất bị xâm lấn tại Khu BTTN Núi Ông theo hướng tích cực, làm cho diện tích đất bị xâm lấn được khôi phục thành rừng có chất lượng; rừng dần đóng góp trở lại vào sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo, đóng góp vào phát triển kinh tế của các xã vùng đệm… 

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng các loài cây bản địa để khôi phục rừng Núi Ông