Theo dõi trên

Trục lợi chính sách hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Quý: Những chuyến tàu “ma”

20/12/2016, 14:48

Bài 2: Đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ

BT- Sau khi nghe những thông tin về những chuyến tàu “ma” nhằm trục lợi, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Phải thừa nhận, nhờ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa của Nhà nước, đã khuyến khích nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư kinh phí đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất lớn, phát triển năng lực khai thác, đánh bắt xa bờ, giảm bớt được gánh nặng chi phí nhiên liệu và phí tổn. Nhưng như chúng tôi đã thông tin, có những chủ tàu đánh bắt xa bờ của Phú Quý lại giở những chiêu trò nhằm trục lợi số tiền hỗ trợ của Nhà nước…

                
Tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Quý. Ảnh: N.L

Tìm cách lách luật

Như vậy là có 9 tàu có hành vi gian lận và giúp sức (4 tàu cá) trong việc ký xác nhận, hoàn chỉnh thủ tục theo quy định, để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo QĐ 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ và trục lợi cá nhân, 1 tàu cá vì thiếu hiểu biết và tình thân nên sai phạm. Động cơ, mục đích các thuyền trưởng  (chủ tàu cá) rõ ràng là trục lợi, bất chấp các quy định về trình tự, thủ tục trong ký xác nhận hồ sơ và hoạt động thực tế của tàu cá để gian dối, đánh lừa cơ quan chức năng. Đối với các chủ tàu cá (thuyền trưởng), có sự móc nối, thỏa thuận giá tiền cụ thể giữa người gửi và người nhận, cho mỗi lần gửi nhận sổ DBTV tàu cá và giấy xác nhận tàu cá khai thác, dịch vụ thủy sản trên các vùng biển xa đưa đến các nhà lô thuộc nhà giàn DK1 để ký xác nhận. Mục đích để trục lợi bất chính và chiếm đoạt tiền chính sách của Nhà nước. Với cán bộ phụ trách các nhà lô, nhà giàn thuộc Tiểu đoàn DK1 (Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân) thiếu trách nhiệm trong công tác, đã làm ngơ, xác nhận khống vào sổ và giấy xác nhận tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển xa mà không trực tiếp nhìn thấy tàu cá đang hoạt động, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng trục lợi.

 Có thể thấy hành vi gian lận và giúp sức của các tàu cá trong việc ký xác nhận để được hưởng chính sách hỗ trợ theo QĐ 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra trong thời gian dài và đã có nhiều ngư dân nhận được tiền. Chính sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cũng như sự dễ dãi của các cán bộ nhà giàn, nhà lô trong việc ký xác nhận đã đẩy tình hình thêm phức tạp. Sau khi có kết quả xác minh của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, ông Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc sở NN&PTNT đã ký văn bản đề nghị đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ 13 tàu cá có hành vi gian dối như trên. Riêng đối với tàu cá BTh 96787 TS của bà Nguyễn Thị Triếu (xã Long Hải) đã có hành vi nhận sổ và giấy xác nhận để ký giúp cho tàu cá của ông Nguyễn Kim Tính là do tình thân, thiếu hiểu biết, không trục lợi. BCH Biên phòng đã đề nghị không xử lý. Tuy nhiên, qua xem xét, Sở NN&PTNT nhận thấy đây vẫn là sự giúp sức cho hành vi gian dối để trục lợi cần phải xử lý để đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh. Tuy nhiên, sau khi mọi thứ đã được “lật bài ngửa”, những chủ tàu này lại tìm cách “lách luật”, nhanh chóng tiến hành làm hồ sơ chuyển nhượng, mua bán cho người thân hoặc người khác. Thậm chí sang tên cho người cùng góp vốn nhằm tiếp tục trục lợi từ chính sách sau khi đã bị xử lý. Khi tôi hỏi anh T. có biết vấn đề này không, anh bảo biết chứ nhưng ngại nói lắm. Đó cũng là tâm lý chung của những ngư dân xứ đảo thật thà, chất phác, làm ăn chân chính không muốn mất lòng láng giềng. Nếu cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời, số tiền họ hưởng được sẽ lên đến con số hàng tỷ đồng.

Để ngăn chặn tình trạng này, Sở NNPTNT tiếp tục đề nghị UBND tỉnh không đưa vào danh sách những tàu cá hoạt động thường xuyên trên vùng biển xa những trường hợp nếu có chuyển nhượng, sang tên cho người cùng gia đình hay cha, mẹ, vợ chồng, con ruột. Những tàu cá đăng ký đóng mới, nâng cấp theo NĐ 67 sẽ bị đưa ra khỏi danh sách được hỗ trợ vay vốn (nếu chưa giải ngân). Qua rà soát, 2 trường hợp ông Võ Gia Khải và ông Bùi Văn Chánh sẽ bị đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ 67. Từ nay về sau không cho các chủ tàu này được tham gia các chính sách phát triển thủy sản theo NĐ 67…

 Cần giám sát chặt chẽ

Có thể nói, thời gian qua, Bình Thuận đã triển khai QĐ 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ  về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, trong đó nhất là việc hỗ trợ nhiên liệu cho đội ngũ các tàu cá khai thác xa bờ, đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Đây là đòn bẩy phát triển nghề đánh bắt xa bờ, giải quyết việc làm cho ngư dân, góp phần tăng sản lượng khai thác thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế biển.  Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa...

Tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa là các tàu cá có nghề khai thác phù hợp và có hoạt động tại vùng biển quy định, bao gồm: nghề câu cá ngừ đại dương, lưới rê khơi, lưới vây khơi, câu khơi, câu mực, chụp mực và các tàu dịch vụ khai thác hải sản tại các vùng biển xa. Cùng với chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, QĐ 48 còn hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu… Riêng ở Phú Quý các tàu vi phạm chủ yếu là nghề câu khơi. Với chính sách này, 5 năm qua toàn tỉnh có gần 380 tàu đăng ký thường xuyên đánh bắt ở khu vực Trường Sa và nhà giàn DK1. Tỉnh đã hỗ trợ cho các tàu đánh bắt xa bờ với số tiền 86 tỷ đồng, trong đó 83 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho tàu thuyền, còn lại 3 tỷ đồng hỗ trợ bảo hiểm.

Số lượng tàu thuyền của Bình Thuận tham gia đánh bắt xa bờ năm sau luôn cao hơn năm trước. Chính nhờ sự hiện diện của tàu thuyền trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 nhằm khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước. Thế nhưng thật đáng tiếc khi một số người lại có hành vi trục lợi từ chính sách hỗ trợ trên, thiết nghĩ, rất mong các cấp, ngành cần có xử lý nghiêm minh hơn đối với hành vi trục lợi trên. Đồng thời có sự giám sát chặt chẽ hơn để không tạo kẽ hở cho việc lợi dụng để trục lợi.

Mới đây, theo tin từ Văn phòng Chính phủ,  Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển  trực thuộc Trung ương có tàu cá đăng ký hoạt động tại vùng biển xa tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định số  48/2010/QĐ-TTg. Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 sẽ chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại, bền vững. Do vậy, việc phát triển các tàu cá hiện đại là điều tất yếu, phần nữa, tàu cá của bà con ngư dân thường xuyên bám biển, vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa góp phần đắc lực vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc. Do đó các chính sách hỗ trợ cho ngư dân cần được sử dụng đúng mục đích thì hiệu quả mới càng cao.

    
      Đưa ra khỏi danh sách tàu cá đăng ký tham gia thường xuyên khai thác và   dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa đã được Chủ tịch UBND   tỉnh phê duyệt đối với 14 trường hợp tàu cá của huyện Phú Quý. Lý  do:   Các chủ phương tiện tàu cá nêu trên đã có hành vi gian lận trong ký xác   nhận để hưởng hỗ trợ chính sách theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg. (QĐ số   3447 ngày 23/11/2016 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam ký).

Thu Thủy - Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tinh gọn bộ máy: Khó mấy cũng phải thực hiện cho được
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Thời điểm này, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt triển khai. Thực tế cho thấy công việc này là rất khó, nhưng khó mấy cũng phải thực hiện cho bằng được.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trục lợi chính sách hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Quý: Những chuyến tàu “ma”