Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân đại toàn quốc, tức Quốc hội) khóa XIV đã khai mạc sáng nay (5/3) tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình cùng lãnh đạo Nhân đại toàn quốc, Chính hiệp toàn quốc (Mặt trận) và 2872 đại biểu đã tham dự hội nghị.
Trung Quốc khai mạc Kỳ họp thứ hai Nhân đại toàn quốc khóa XIV. Ảnh: Tân Hoa xã.
Trong “Báo cáo công tác Chính phủ” đầu tiên trình bày tại phiên khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định, trong năm 2023, nền kinh tế nước này nhìn chung phục hồi và cải thiện, mặc dù phải đối mặt với “môi trường quốc tế hết sức phức tạp và nhiệm vụ cải cách, phát triển, ổn định khó khăn nặng nề”.
Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu đã đạt được, ông cũng thừa nhận những vấn đề còn tồn tại và khó khăn, thách thức đang gặp phải: “Tính phức tạp, nghiêm trọng, bất ổn của môi trường bên ngoài gia tăng. Nền tảng để tiếp tục phục hồi và cải thiện nền kinh tế chưa vững chắc, nhu cầu hiệu quả chưa đủ, kỳ vọng xã hội còn yếu, nhiều rủi ro còn tiềm ẩn. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động gặp khó khăn. Áp lực tạo việc làm và những mâu thuẫn về cơ cấu cùng tồn tại. Những khâu yếu kém trong an toàn sản xuất không thể coi nhẹ. Công tác chính phủ còn bất cập, chủ nghĩa hình thức, quan liêu vẫn nổi cộm. Vấn đề tham nhũng trong một số lĩnh vực vẫn còn phổ biến...”
Trong báo cáo, chính phủ Trung Quốc tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là khoảng 5%, tạo được hơn 12 triệu việc làm mới ở thành thị, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 5,5%.
Trung Quốc cũng duy trì kiểm soát tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức 3% trong năm 2024, nhưng sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược bằng cách phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ đặc biệt. Ngoài ra, từ năm nay, chính phủ nước này có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn trong vài năm liên tiếp. Theo các nhà phân tích, việc phát hành trái phiếu cùng với bội chi 3% và hạn ngạch phát hành 3,9 nghìn tỷ nhân dân tệ cho chính quyền địa phương, nhiều hơn 100 tỷ so mới năm 2023, sẽ đóng góp khoảng 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Trong số 10 nhiệm vụ lớn của chính phủ trong năm 2024, phát triển lực lượng sản xuất mới, trong đó nhấn mạnh việc tập trung vào các động lực tăng trưởng mới dựa trên những đột phá và đổi mới về khoa học công nghệ, được Trung Quốc đặt lên đầu tiên và cũng được trình bày cụ thể hơn trong báo cáo chính phủ. Khái niệm này lần đầu tiên được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thị sát hồi tháng 9/2023 tới vùng Đông Bắc nước này và được nhắc đến tại nhiều cuộc họp cấp cao của Trung Quốc thời gian gần đây.
Trong gần một tuần tới, khoảng 2.900 đại biểu Nhân đại và 2.100 ủy viên Chính hiệp tham dự hai kỳ họp sẽ xem xét và thảo luận báo cáo công tác của Thủ tướng Lý Cường.
Hội nghị năm nay có 7 nội dung chính. Ngoài các nghị trình thường niên, như xem xét báo cáo công tác Chính phủ; rà soát báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự thảo Kế hoạch năm 2024..., kỳ họp năm nay còn xem xét sửa đổi Luật Tổ chức Quốc vụ viện, tức Chính phủ. Đây là lần đầu tiên bộ luật này được sửa đổi sau hơn 40 năm.
Kỳ họp năm nay tổ chức vào thời điểm Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), vì vậy càng có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024 sẽ cho phép nước này đạt được mục tiêu đề ra trước đó là tăng gấp đôi tổng lượng kinh tế hoặc thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035, dù đây là mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi Trung Quốc phải đưa ra nhiều biện pháp kích thích tài chính hơn nữa.
Được biết, kỳ họp Nhân đại toàn quốc Trung Quốc lần này sẽ kéo dài 7 ngày và bế mạc vào chiều 11/3.