Theo đó thời gian qua, mặc dù tỉnh hết sức quan tâm và nhận thấy ý nghĩa to lớn của việc hình thành thị trường nông sản chất lượng cao thông qua việc xây dựng Trung tâm đầu mối nông sản thực phẩm sạch. Tuy nhiên do khó khăn, hạn chế về các nguồn lực đầu tư nên địa phương chưa có điều kiện triển khai. Trước sự quan tâm, hỗ trợ, tiếp sức của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đối với tỉnh Bình Thuận trong việc xây dựng Trung tâm đầu mối nông sản thực phẩm sạch, địa phương hết sức trân trọng và phấn khởi, xem đây là cơ hội để địa phương có điều kiện xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, ổn định, chất lượng và sức cạnh tranh cao, giúp nâng cao thu nhập của toàn thể người dân.Theo các tiêu chí hướng dẫn của Trung ương về lựa chọn vị trí để xây dựng Trung tâm đầu mối nông sản thực phẩm sạch, UBND tỉnh Bình Thuận lựa chọn như sau: Vị trí cách trung tâm thành phố Phan Thiết về phía Bắc khoảng 4 km (thuộc địa bàn giáp ranh giữa thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc). Hiện trạng: Đất sản xuất lúa của người dân đã được địa phương quy hoạch vào mục đích đất ở, thương mại dịch vụ. Tổng diện tích quy hoạch 135 ha. Đặc điểm: Mặt phía Đông tiếp giáp quốc lộ 1A, mặt phía Tây tiếp giáp quốc lộ 28 (nối Bình Thuận với Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên). Khu vực lân cận (giáp thành phố Phan Thiết) đã có điện, nước, giao thông hoàn chỉnh; nằm ở trung tâm vùng sản xuất thanh long tập trung của tỉnh (2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam), gần cảng Phan Thiết và tuyến du lịch Sài Gòn - Mũi Né. Có vị trí trung tâm từ thành phố Phan Thiết đến các huyện, thị xã trong toàn tỉnh; có dư địa với thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ, miền Trung và Tây nguyên. Qua nghiên cứu, UBND tỉnh Bình Thuận nhận thấy vị trí này đáp ứng cơ bản các tiêu chí do Trung ương đề ra. Tuy nhiên, diện tích này không thuộc quỹ đất công do Nhà nước quản lý mà thuộc đất lúa do người dân làm chủ sử dụng.
Vũ Hà