Nỗ lực dạy và học
Trong buổi khai giảng năm học mới 2022 - 2023 vừa qua, thầy Lương Đào Quốc Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ: “Đặc thù học sinh dân tộc nội trú phần lớn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh ít có điều kiện quan tâm đến việc học hành của con em. Nhất là năm học vừa qua do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, học kỳ 1 học sinh (HS) học tập qua hình thức trực tuyến, trong khi điều kiện gia đình nhiều em còn khó khăn, không có các thiết bị phục vụ học tập. Từ nguồn ngân sách, mạnh thường quân hỗ trợ, thầy cô nhà trường đã nỗ lực đưa sách vở, dụng cụ học tập, thiết bị hỗ trợ (máy tính, điện thoại thông minh), học bổng đến từng địa phương cho các em để việc học không bị gián đoạn. Vào học kỳ 2, các em học tập trung cũng thực hiện nghiêm ngặt; đảm bảo chống dịch và học tập tốt”.
Thời gian sau, khi dịch bệnh lắng xuống, Ban giám hiệu nhà trường linh động huy động giáo viên có kinh nghiệm, dạy giỏi bồi dưỡng các môn thi THPT cho HS khối 12, vào các buổi tối, ngày chủ nhật. Giáo viên cũng không quản ngại khó khăn, nhiệt tình chỉ bảo HS. Cô Lưu Thị Mỹ Dung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kỳ thi THPT quan trọng, định hướng nghề nghiệp, thầy cô nhà trường sẵn sàng hỗ trợ HS. Nhiều thầy, cô giáo không chỉ tận tâm tận lực hai buổi chính khóa của 3 khối học, mà còn tự nguyện lên lớp ngoài giờ giúp các em HS khối 12 ôn tập, hệ thống lại kiến thức cho kỳ thi cuối cấp. Sau bữa ăn chiều nội trú, các em dành khoảng 2 giờ vào buổi tối lên lớp để được các giáo viên bộ môn hướng dẫn ôn bài, làm bài tập theo đề cương, làm quen các dạng bài thi tốt nghiệp THPT các năm trước. Các em cũng thảo luận cùng nhau tìm ra cách giải để làm bài tốt, câu nào khó nhờ thầy, cô hướng dẫn cách làm”.
Trong khi đó, các giờ lên lớp ở hai buổi học hàng ngày, giáo viên nhà trường đã nỗ lực rất nhiều vừa truyền tải kiến thức mới vừa bổ sung kiến thức cũ trong thời gian ảnh hưởng học trực tuyến bởi dịch Covid-19. Đáp lại sự dạy dỗ của thầy cô, hầu hết các em đồng bào dân tộc thiểu số đều có tinh thần cầu tiến, chăm chỉ học hành, nên nắm được kiến thức cơ bản, làm được lý thuyết, các dạng bài tập thông thường khối lớp 12.
3 năm liền 100% học sinh đỗ tốt nghiệp
Kỳ thi THPT quốc gia năm học 2021 – 2022 vừa qua, 251 HS khối 12 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đều đỗ tốt nghiệp. Nhiều môn thi tốt nghiệp có tỷ lệ trên 5 điểm cao hơn mặt bằng chung của tỉnh và toàn quốc như văn, lý, hóa, sinh, sử, công dân. Đây là năm thứ 3 liên tiếp trường duy trì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 100%; riêng 2 năm học trước với gần 400 em tốt nghiệp. Còn trong năm học vừa qua, trường có 5 HS xuất sắc, 84 HS giỏi, 337 HS tiên tiến trong tổng số 839 em, tỷ lệ lên lớp đạt cao.
Tỷ lệ tốt nghiệp hoàn hảo trong các năm qua cho thấy việc dạy và học ở ngôi trường tập trung con em đồng bào dân tộc thiểu số (Chăm, K’ ho, Chơ ro, Rắc lây, Tày, Nùng…) của tỉnh dần được nâng cao. Qua đó, các em đạt điểm cao vào được các trường đại học, cao đẳng; khá nhiều em của trường chọn học 3 trường cao đẳng (Y tế, Cộng đồng, Nghề) ở Bình Thuận, hay Trường Đại học Phan Thiết; bổ sung nguồn nhân lực thiết yếu ở nhiều lĩnh vực cho các khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. “Qua 30 năm từ ngày thành lập, nhiều thế hệ HS của trường đã thành đạt, trở thành bác sĩ, kỹ sư, giảng viên, cán bộ, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, địa phương, xã hội”, thầy hiệu trưởng Lương Đào Quốc Dũng chia sẻ.
Được biết, năm học mới 2022- 2023, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đón nhận 350 HS lớp 10, nâng tổng số HS toàn trường lên 900 em, biên chế thành 27 lớp. Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; làm tốt công tác dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; ứng dụng công nghệ thông tin dạy học; chú trọng tăng số lượng HS khá, giỏi, tỷ lệ HS lên lớp thẳng cao hơn năm trước.