Theo dõi trên

Từ 15/3/2017: Hộ kinh doanh vay vốn ngân hàng với tư cách của cá nhân

24/02/2017, 08:38

BT - Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, thay thế Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/3/2017.   Bình Thuận cuối tuần có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Trịnh- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận làm rõ vấn đề trên.

Thưa ông, theo Thông tư 39 quy định thì khách hàng vay vốn tại TCTD chỉ có pháp nhân và cá nhân. Điều này có gì khác với các quy định trước?

Ông Phạm Văn Trịnh: Quyết định 1627 trước đây quy định khách hàng vay tại tổ chức tín dụng gồm: các pháp nhân (doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 94 Bộ luật Dân sự (1995); cá nhân; hộ gia đình; tổ hợp tác; doanh nghiệp tư nhân; công ty hợp doanh; các pháp nhân và cá nhân nước ngoài. Thông tư 39 hiện nay quy định khách hàng vay vốn tại TCTD chỉ có pháp nhân và cá nhân. Các đối tượng không phải là pháp nhân (như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) thì không đủ tư cách là chủ thể vay vốn tại TCTD.

         
   

      

      Ông Phạm Văn Trịnh -    Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước -  Chi nhánh Bình Thuận.

Ông có thể cho biết thêm vì sao lại có sự thay đổi này?

Ông Phạm Văn Trịnh:  Sở dĩ có sự thay đổi này là nhằm tạo ra khung pháp lý trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng cho phù hợp với Luật Các TCTD năm 2010 và Bộ luật Dân sự năm 2015; phù hợp với các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động cho vay và xu hướng phát triển hoạt động cho vay theo hướng tiến dần đến các thông lệ quốc tế, qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay của các TCTD và tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay.

Như chúng ta đã biết, Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017) quy định về chủ thể tham gia quan hệ dân sự (bao gồm cả hợp đồng vay vốn) chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân, do đó Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước cũng phải điều chỉnh theo để đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Nếu TCTD tiếp tục ký hợp đồng cho vay đối với hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì hợp đồng đó có thể bị tuyên là vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy từ nay hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân sẽ không được vay vốn TCTD?

Ông Phạm Văn Trịnh: Đúng vậy, theo Bộ luật Dân sự 2015, từ 1/1/2017, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết bất kỳ hợp đồng nào chứ không chỉ riêng đối với các hợp đồng tín dụng ngân hàng. Nhưng điều đó không có nghĩa là hộ kinh doanh không được vay vốn nữa, mà họ sẽ thực hiện việc vay vốn trên tư cách từng cá nhân trong hộ kinh doanh đó. Theo đó, từ nay trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa. Tương tự như thế, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân sẽ không được ký hợp đồng vay vốn TCTD với tư cách là chủ thể nữa, nhưng vẫn được vay vốn TCTD với tư cách là cá nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân. Sự thay đổi này tốt cho tất cả các chủ thể tham gia hợp đồng dân sự trong đó có hợp đồng vay vốn ngân hàng, vì từ nay trách nhiệm được quy rõ ràng cho pháp nhân và cá nhân. Việc quy định hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân là những chủ thể trong quan hệ dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 trước đây đã bộc lộ nhiều hạn chế, nên việc điều chỉnh chủ thể trong quan hệ dân sự tại Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư 39 lần này là thực sự cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Bích Nghi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ 15/3/2017: Hộ kinh doanh vay vốn ngân hàng với tư cách của cá nhân