Từ con số 0
Trò chuyện với anh chị Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Thị Phương, nghe chị kể về bản thân mới thấm thía được nỗi khổ cực. Nhiều mồ hôi nước mắt đã rơi và có lúc chị tưởng phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình để có được như ngày hôm nay.
Chị sinh năm 1962 trong gia đình có 6 anh chị em ở thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc). Lên 10 tuổi mẹ mất, chị phải làm đủ nghề từ trồng dưa, mè đến phụ mổ heo, mổ bò… Lớn thêm ít tuổi, chị nên duyên với anh Nguyễn Văn Hạnh ở Hàm Thắng và chuyển sang nghề bán thịt heo ở chợ Hàm Thắng. Cuộc sống khó khăn giữa dòng đời đẩy đưa, đến đầu thập niên 1990 anh chị lại bồng bế con cái về bãi bồi, nơi bến ghe đậu thuộc khu vực Cảng cá Thanh Hải, ở khu phố E, phường Thanh Hải hiện nay. “Ngày đó ở đây vắng vẻ ít người ở, anh chị mua thiếu tiền đất ở của người ta và dựng lên một cái chòi ở… Tiếp tục nghề bán thịt heo ở chợ Thanh Hải, làm thêm ở bến ghe. Quá trình làm nhận thấy bán đồ ăn sáng cho người đi biển và người dân ở đây có lợi hơn, anh chị chuyển sang nấu mì quảng bán. Sáng bán mì quảng, chiều gánh cá, khiêng ốc, ai kêu gì làm nấy ở bến ghe với mục tiêu làm sao để có đủ tiền trả nợ tiền đất ở và nuôi con cái”, chị Phương nhớ lại.
Không dừng lại ở đó, chị còn đi nấu ăn thuê cho các dịch vụ tổ chức đám cưới. Nấu hết đám này đến đám khác, khi đã góp nhặt được thêm nhiều cách chế biến, chị tập tành mở dịch vụ đám cưới, rồi lấy tên Dịch vụ tiệc cưới Hạnh Phương. Chị Phương cho biết: Ban đầu chị lên menu (thực đơn), in ấn theo dạng tờ rơi bỏ trên các bàn tiệc cưới, nhiều người biết và gọi điện đặt nấu ăn. Lúc đầu một vài đám, sau đó nhiều hơn khi họ ăn các món của chị nấu thấy ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Trở thành hộ kinh doanh giỏi
Nói về bí quyết nấu ăn ngon, chị Phương không ngần ngại chia sẻ, nhờ trước đây chị mổ heo, bò, bán thịt heo… và làm việc ở bến cá, tiếp xúc với các loại thịt, hải sản nhiều nên biết đâu là loại thịt, hải sản ngon. Ngoài ra đi nấu thuê cho các đám cưới nên biết cách nêm nếm... Cũng theo chị, nguyên liệu chế biến tươi, ngon, góp phần quan trọng tạo nên món ngon. Ước tính, trung bình ngày bình thường, chưa kể ngày lễ, tết, chị nhận 10 - 20 đám cưới, hỏi, giỗ, tân gia, sinh nhật, thôi nôi... Với số lượng đám ấy thì nhân viên phục vụ cần nhiều vì một sự kiện như đám cưới có rất nhiều khâu. “Ngày bình thường có 30 – 40 nhân viên phục vụ, vào những ngày lễ, tết nhiều đám thì có đến 60 – 80 nhân viên”, chị Phương cho biết.
Nhân viên phục vụ đủ mọi lứa tuổi, chủ yếu ở phường Thanh Hải không có công ăn việc làm ổn định. Ông Nguyễn Thế Luân – khu phố Trưởng khu phố E, phường Thanh Hải và bà Nguyễn Thị Kim Phượng – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố E, nơi vợ chồng anh chị Hạnh Phương đang sinh sống cho biết, “Anh chị Hạnh Phương là doanh nhân thành đạt có tinh thần cộng đồng cao, giúp đỡ bất cứ ai nghèo khó cũng như khu phố cần. Dịch vụ của anh chị giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người dân khu phố E nói riêng và phường Thanh Hải nói chung, thậm chí cả công dân ở địa phương khác. Dịch Covid-19 khó khăn, anh chị ủng hộ rất nhiều cho địa phương, ngoài rạp che, bàn ghế… cho khu cách ly, các chốt kiểm dịch thì còn ủng hộ nhu yếu phẩm cho người nghèo, người trong khu cách ly…”.
Chính vì vậy, năm nào UBND phường cũng khen hộ anh chị sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2022, gia đình anh chị nhận được giấy khen về phong trào sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố. “Năm 2022, phường Thanh Hải có 2 hộ được thành phố khen, trong đó có hộ anh chị Hạnh Phương. 2 hộ rất xứng đáng được khen bởi đạt đủ 2 tiêu chí quan trọng là tạo công ăn việc làm cho người dân, mức thu nhập bình quân cả năm khá”, Trần Thị Bảo Phương - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Hải nói.