Theo dõi trên

Từ Hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực về du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long: Nghĩ về du lịch và du lịch cộng đồng ở Bình Thuận

24/05/2013, 13:33

 BT- Ngày 22/4/2013, Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực về du lịch cho đồng bằng sông Cửu Long - thực trạng và giải pháp do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch An Giang,  Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Du lịch Sài Gòn được tổ chức tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

 Nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo

Gần 200 nhà khoa học, nhà quản lý về văn hóa du lịch như TS Nguyễn Văn Lưu – Hàm Vụ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Lê Văn Hùng – Quyền Giám đốc cơ quan đại điện Văn phòng 2 của Bộ, PGS TS Huỳnh Quốc Thắng, PGS TS Trần Hữu Tá, TS Mai Hà Phương, TS Phan Thành Vĩnh, PGS TS Phan Huy Xu, PGS TS Đặng Ngọc Lệ, TS Vũ Khắc Chương, TS Nguyễn Văn Siêu … các cơ sở tham gia đào tạo nguồn lực du lịch, cán bộ ngành văn hóa du lịch của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh bạn đã  tham dự.

Từ trái sang phải: PGS TS Trần Hữu Tá, PGS TS Đặng Ngọc Lệ, PGS TS Phan Huy Xu, TS Vũ Khắc Chương và TS Nguyễn Thị Liên Tâm tại hội thảo.

 Nhân lực  và 3 vai trò

Điều này góp phần khẳng định: Hoạt động đào tạo nhân lực và phát triển du lịch luôn được đặc biệt  chú ý. Trước đó, ngày 15 - 18/4/3013, lớp tập huấn về du lịch Homestay đã được tổ chức tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Văn hóa Du lịch tại TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã tham gia vào hai sự kiện trên với tâm thế: Tìm hiểu thêm về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch và du lịch cộng đồng trên quê hương Bình Thuận, nhằm phục vụ cho ý tưởng nghiên cứu khoa học đã đề xuất.

Tại lớp tập huấn, những lý thuyết về du lịch Homestay và kết quả thực tế đã được các chuyên gia truyền đạt một cách cụ thể, sinh động và đã giúp nhiều người tham dự tiếp thu những kiến thức bổ ích.  

Riêng tại hội thảo tầm cỡ quốc gia về du lịch diễn ra tại Long Xuyên, nhiều tham luận có giá trị đã được trình bày trước cử tọa, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được phân tích đào sâu phù hợp với đặc trưng vùng miền. Tùy góc độ quản lý, các tham luận của các đại biểu xoáy sâu vào các nội dung:

- Vai trò của quan trí, vai trò của các trường đào tạo du lịch.

- Vai trò quản lý chuyên môn của các cấp và của Hiệp hội Du lịch.

- Vai trò của nhân dân (dân trí) khi thực hiện du lịch Homestay…

Có lẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với cử tọa là bài phát biểu đầy tâm huyết của PGS TS Huỳnh Quốc Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, đi sâu về vấn đề “Quan trí” đối với hoạt động du lịch, và bài phát biểu của PGS TS Trần Hữu Tá, trong đó có nội dung khẳng định “Du lịch là con gà đẻ trứng vàng, nhưng đừng để con gà bị nhiễm H5N1”. Thật vậy, nhìn người mà ngẫm đến ta, du lịch Bình Thuận so với Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt… thuộc dạng sinh sau đẻ muộn, nhưng so với nhiều tỉnh khác, Bình Thuận không phải là thiếu tiềm năng, mà lớn nhất chính là tầm nhìn còn hạn chế, vai trò của quan trí chưa được phát huy đúng tầm, sự phối hợp trong đào tạo và sử dụng nhân lực còn khập khiễng…

 Nhìn lại du lịch Bình Thuận

Từ hội thảo này, có thể nhìn lại công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực về du lịch của tỉnh ta. Nhiều vấn đề nhất thiết cần được sự quan tâm sâu rộng hơn:

1. Trước hết, đó là vai trò của các trường đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Để đào tạo nguồn nhân lực bài bản cho du lịch Bình Thuận, cần thiết phải có bước đột phá trong đào tạo chuyên môn sâu, trong đó quan trọng là nguồn nhân lực về công tác giảng dạy cần được tiếp cận và bồi dưỡng thường xuyên từ nhiều hoạt động có liên quan. Cần chú ý tăng thời lượng thực hành tại trường nhiều hơn, khuyến khích người học tự lập nhóm thực hành trong các giờ tự học. Muốn được như thế, nhà trường phải được trang bị những phòng thực hành có chất lượng, sẵn sàng hỗ trợ khi học sinh, sinh viên đăng ký thực hành tại trường. Ngoài ra, cơ sở đào tạo cần giúp người học được thực tập tại những doanh nghiệp, resort... có chất lượng và có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo. Cần giảm lược bớt các môn đại cương để học sinh, sinh viên tập trung vào môn chuyên ngành.

2. Cần chú ý mạnh mẽ khâu trang bị tiếng Anh và tiếng Nga cho nhân lực về du lịch một cách thực chất. Khi yêu cầu học sinh, sinh viên nâng cao việc học ngoại ngữ, nhất thiết phải chú ý đến kỹ năng giao tiếp, không nên chạy theo bằng cấp… mà cần đặc biệt chú ý đến thực chất của kỹ năng. Nên tổ chức những câu lạc bộ ngoại ngữ sinh hoạt định kỳ để người học được rèn luyện kỹ năng nghe nói nhiều hơn, không phải chỉ tổ chức theo phong trào; 1, 2 lần/ năm học…

Đây cũng là một nội dung mà chúng tôi (từ nhiều năm trước) đã đề nghị  trung tâm ngoại ngữ của đơn vị nên thực hiện. Vì khi đưa sinh viên xuống thực tập tại Vườn Đá Resort, nghe chủ nhân doanh nghiệp trao đổi, chúng tôi đã dự đoán nguồn khách Nga sẽ tăng và tiếng Nga sẽ rất cần thiết cho hoạt động du lịch (bên cạnh sự cần thiết của tiếng Anh). Nên mới đây, khi nghe tin sẽ có  trung tâm dạy tiếng Nga ở tại một trường nghề của tỉnh, chúng tôi thực sự mừng vui về quyết định trên, vì như thế sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông thạo tiếng Nga cho địa phương.

3. Một nội dung hết sức quan trọng là vai trò của các nhà quản lý chuyên môn ở các cấp. Cần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp với nhà trường bằng nhiều hình thức. Trước hết, phải có khâu gửi - nhận học sinh, sinh viên thực tập, tổ chức khâu kiểm tra chất lượng thực tập. tuyên truyền để các cơ sở du lịch hiểu rằng khâu thực tập chính là khâu thử việc và chất lượng của nguồn nhân lực về du lịch  một phần là do chính họ góp phần đào tạo. Tiếp nữa, cần đặc biệt quan tâm và phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các hoạt  động: Ngày hội tuyển dụng lao động cho ngành du lịch, Hội thi Batender toàn ngành du lịch, Hội thi Hướng dẫn viên giỏi (kết hợp thi viết bài thuyết minh về các điểm du lịch)… để người học gắn bó với nghề và yêu thích nghề từ những hoạt động cụ thể  như thế.

4. Trong mô hình du lịch, cần cung cấp thêm những tour mới như du lịch trên sông, trên núi bằng những phương tiện giao thông khác hơn thường nhật, hoặc du lịch gắn với các điểm văn hóa, lịch sử… Bình Thuận chúng ta không thiếu các điểm du lịch văn hóa lịch sử, nhưng nhiều nơi chưa được khai thác vì… liên quan nhiều đến quan trí (tầm nhìn, cách nghĩ, kinh phí...)

Cách đây vài năm, chúng tôi đã tìm hiểu khi nào Nhà nước có chủ trương cho nạo vét lòng sông khu vực gần Khu di tích Dục Thanh, và có lời nhờ một thạc sĩ địa lý sẽ khảo sát dòng chảy, hoạt động của thủy triều trên sông Cà Ty với mong muốn sẽ góp thêm những tour mới, những hoạt động du lịch mới mẻ trên sông. Bình Thuận có một con sông thơ mộng vắt qua lòng thành phố du lịch, nhưng tiếc là chúng ta chưa khai thác, phát huy lợi thế để có những hoạt động hấp dẫn, tạo ấn tượng cho du khách. Khi đến Huế, ngồi du thuyền ban đêm nghe hò Huế trên sông Hương hay khi đi dạo chợ bên bờ sông của một thành phố ở Anh quốc (chỉ họp vào sáng chủ nhật), chúng tôi nhận thấy mô hình  hoạt động này có thể triển khai trên và bên bờ dòng Cà Ty.

Có lẽ giới taxi chở khách du lịch cũng đã không ít lần nghe du khách than phiền: Ban đêm đến Phan Thiết không có nhiều điểm tham quan, chỉ loanh quanh một vài điểm đã quá quen thuộc: Bờ Kè, Bar cà phê, rồi phố Tây… Lòng vòng một chút đã hết. Các nhà quản lý  hoạt động này nên làm gì và làm như thế nào để thu hút khách du lịch bằng những City tour hấp dẫn?

5. Nên khuyến khích, động viên những đề xuất, những phát kiến cho hoạt động du lịch như: Thiết lập City tour mới để bổ sung, tuyên truyền và khuyến khích người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng nếu có điều kiện phù hợp… (có thể mở chuyên mục góp ý trên các phương tiện thông tin hoặc tổ chức những cuộc thi có nội dung gắn với các hoạt động trên).

Trong ý tưởng “Xây dựng và phát triển mô hình du lịch và du lịch cộng đồng” tại tỉnh ta, chúng tôi đã gặp và trao đổi với chủ nhân Doanh nghiệp Tranh cát Phi Long: nên dạy làm tranh cát cho người nước ngoài. Và cơ sở đã thực hiện nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu, rất cần sự góp sức về mô hình thực hiện và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, đâu phải chỉ có mô hình nêu trên. 

Chúng tôi nghĩ rằng, có rất nhiều ý tưởng đang nung nấu trong tim những người tâm huyết với hoạt động này. Điều mà họ cần không hẳn là khoản tiền bồi dưỡng ý tưởng, mà chính là sự trân trọng phát kiến của họ với mong muốn được góp phần chung tay xây dựng quê hương trên lĩnh vực văn hóa du lịch.

6. Trong mô hình du lịch cộng đồng, cần tổ chức du lịch Homestay để khách Tây sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân tại một số điểm nhà dân phù hợp, góp phần giúp người dân tăng thêm thu nhập từ hoạt động.

7. Nên chăng có đội ngũ cảnh sát du lịch như ở Campuchia để thực hiện, chia sẻ gánh nặng với công an địa phương và Hiệp hội Du lịch, để hoạt động du lịch đi vào chiều sâu của chất lượng điểm đến, chất lượng phục vụ…

 Chú ý Homestay

Khi tham gia Hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực về du lịch cho đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi được mời đến thăm nhiều điểm du lịch Homestay trong vùng quê của bác Tôn Đức Thắng sống thời niên thiếu. Cơ sở vật chất cho các điểm hình thành du lịch cộng đồng không cầu kỳ, sang trọng. Chỉ cần những điều kiện đáp ứng cho một sự thâm nhập về văn hóa đời sống, tín ngưỡng, lịch sử; cơ sở không quá xa bệnh viện, trạm y tế; thuận tiện về điện, đường… Du lịch Homestay nếu thực hiện có hiệu quả sẽ đem lại lợi ích khá lớn, trước hết là lợi ích trực tiếp cho người dân và kéo theo là các dịch vụ du lịch mà khách Tây mong muốn. Bình Thuận có nhiều nơi có thể đáp ứng tốt cho hoạt động này, và vấn đề dân trí sẽ được nâng cao để phù hợp với hoạt động du lịch Homestay.

Trông người mà ngẫm đến ta, rất mong ngành du lịch Bình Thuận ngày càng phát triển nhiều mô hình hoạt động để mọi người dân cùng hưởng lợi (trực tiếp hay gián tiếp). Nhưng nói như các bậc tiền bối có tầm nhìn chiến lược  về du lịch: Phải  nhìn thấy trước, nhìn ra được vấn đề… nhưng cần quan tâm nhất là vấn đề quan trí và đừng để du lịch - con gà đẻ trứng vàng bị nhiễm bệnh lây lan.

TS Nguyễn Thị Liên Tâm



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ Hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực về du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long: Nghĩ về du lịch và du lịch cộng đồng ở Bình Thuận