Theo dõi trên

Từ một dòng tên trên đồi Bằng Lăng

08/06/2018, 08:37

BT- Bơnom Brah là tên gọi khác của núi Bà Rá, theo lời giải thích của cô gái bán cà phê người S’Tiêng, nghĩa là núi Thần. Quả vậy, ở đây từ cảnh vật đến không khí có gì đó như là nơi giao hòa giữa hai thế giới âm dương, tôi không biết khí lạnh của cơn mưa dông sắp tới hay khí âm ở đây làm cho mình cảm giác rợn lạnh.

                
Đồi Bằng Lăng.

Với Bình Phước, núi Bà Rá là điểm nhấn quan trọng và là niềm tự hào của quê hương, đây là ngọn núi đã được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Từ chân núi lên một đoạn ngắn là đồi Bằng Lăng, nơi có nhà bia tưởng niệm liệt sĩ. Trong thời chiến tranh, đồi Bằng Lăng đã từng là nơi bám trụ lâu dài của lực lượng cách mạng ở đây và là trạm dừng chân an toàn của đường dây liên lạc, vận chuyển nối với Trung ương Cục Miền Nam. Chúng tôi đến khu du lịch sinh thái - văn hóa - chiến trường xưa - hành hương này khi trời sắp mưa, phải tạm lánh vào một quán cà phê dưới chân núi khá lâu mới lên được đồi Bằng Lăng. Tôi chợt xúc động khi thấy dòng chữ nhắc đến đoàn Vận tải H.50. Tôi ngồi bần thần nối kết với vùng đất Đại Nẫm trong tâm tưởng vì nơi đó tôi quen biết với gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Thiệt, mẹ có người con gái tham gia đoàn vận tải H.50 đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất mang cái tên rất thương là đồi Bằng Lăng này.

 Phan Thị Thiệt

"Tiếng đồn Đại Nẫm nhiều xoài

Xuân Phong nhiều cốm, Phú Tài mạch nha

Lấy vợ chẳng lấy đâu xa

Con gái Phan Thiết nết na dịu hiền".

Từ xa xưa, trước khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Bình Thuận, vùng đất Đại Nẫm vốn đã nổi tiếng là một miệt vườn hiền hòa, trù phú đúng như câu ca dao được truyền từ đời này đến đời khác ấy. Nhưng đó cũng là vùng đất quật cường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là một phần của Tam Giác Sắt, Hàm Thuận, từng làm khiếp đảm kẻ thù.

Năm 1925,  Phan Thị Thiệt  chào đời từ một mái tranh nghèo của đôi vợ chồng nông dân gốc ở đó, cũng như đa phần dân chúng lúc bấy giờ, họ đều là những  bần nông. Từ thời niên thiếu, Thiệt đã chứng kiến nhiều cảnh áp bức bất công, hà khắc, cảnh những tráng đinh chưa nộp kịp suất sưu bị đánh đập dã man, cảnh những địa chủ cấu kết nhau chiếm đoạt ruộng đất làm cho nông dân rơi vào cảnh bần cùng, uất hận... Ngày ngày những nỗi đau khổ của hàng xóm láng giềng, bà con đập vào mắt, ám ảnh vào tâm trí đã hun đúc lòng yêu nước, thù giặc của mẹ từ thiếu thời.

Năm 1930, ông Dương Chước, đảng viên Đảng Cộng sản đến ở nhà ông Lê Trọng Thiều ở làng Đại Nẫm để tuyên truyền về cách mạng. Rồi từ các mối quan hệ làng mạc, họ hàng, làn sóng giác ngộ cách mạng lan nhanh. Đại Nẫm trở thành một những địa phương có tổ chức Nông hội và Thanh niên Tiền Tiến đầu tiên của Hàm Thuận. Phan Thị Thiệt lớn lên như bao thiếu niên ở trong làng được người lớn dạy dỗ để hiểu về cách mạng, hiểu về thực trạng “Nước đã mất, cha đã làm nô lệ”.

Năm 1938, những người gặt mướn ở Xuân Phong, Đại Nẫm đã tập trung đấu tranh tăng giá ngày công từ nửa giạ lên một giạ lúa cho một công gặt. Cả cánh đồng Đại Nẫm dọc xuống hai bên bờ sông Cà Ty, lúa chín rục không ai gặt. Sự kiện đó diễn ra ngay nơi mình sinh sống đã giúp Thiệt hiểu sâu hơn mọi chuyện và tự nguyện trở thành một cơ sở tích cực cùng các thanh thiếu niên khác giúp phong trào cách mạng địa phương tiếp tục phát triển. 

Ngay trong những ngày tháng 8/1945, cùng tham gia trong đoàn hàng chục ngàn người với giáo mác, ná... kéo về Phan Thiết biểu tình, Phan Thị Thiệt, người con gái cơ sở trong tà áo bà ba nâu sồng ấy đã gặp anh Huỳnh Đài, người cùng lý tưởng và quyết định trở thành vợ chồng với nhau. Sau 3 năm sống chung và cùng hoạt động, năm Kỷ Sửu, 1948, Phan Thị Thiệt sinh được người con đầu lòng đặt tên là Huỳnh Thị Hai. Bốn năm sau, năm Nhâm Thìn, 1952, Phan Thị Thiệt lại sinh được anh Huỳnh Văn Ba, đứa con trai khôi ngô đúng như ý nguyện của gia tộc hai bên. Đến năm Giáp Ngọ, 1954, mẹ sinh thêm người con gái út là chị Huỳnh Thị Xí.

Đầu năm 1958, vì một cơn bạo bệnh,  Phan Thị Thiệt qua đời sau khi truyền dạy cho các con tình yêu nước thương nòi và lòng căm thù giặc sâu sắc.

 Những người con anh hùng

Tháng 4/1967, Đoàn H.50 được thành lập, là đơn vị đầu mối tiếp nhận mọi sự chi viện gồm vũ khí, đạn dược và hàng hóa của Trung ương từ miền Bắc vào Trung ương Cục Miền Nam và cho các chiến trường cực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên gồm các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức. Không những vậy, đoàn còn có nhiệm vụ bám giữ hành lang nối liền quân khu V và Miền, liên hệ chặt chẽ đường dây Bắc Nam, đưa các đoàn khách qua lại, tiếp nhận và nuôi dưỡng bệnh binh từ Bắc vào trước khi đưa về chiến trường, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đột xuất khi quân khu cần. Người con đầu của mẹ Thiệt là chị Huỳnh Thị Hai, lúc bấy giờ vừa tròn 19 tuổi xung phong tham gia ngay từ những người đầu tiên.

Ngày ấy, quân số của Đoàn Vận tải H.50 lên đến gần 1.000 người, nhưng đa phần là nữ. Nam thì được phân công nhiệm vụ chốt giữ đường, làm cầu đường, giữ kho bãi. Vì thế chị em phải đảm nhận nhiệm vụ mang vác những kiện hàng qua các tuyến đường. Tháng 4/ 1972, chị Hai cùng một số đông đồng đội nữ quê ở Bình Thuận, Ninh Thuận được phân công chuyển "hàng" về Trung ương Cục miền Nam ở Sa Mát theo tuyến xuyên qua Đồng Xoài, Phước Long. Khi đến căn cứ Đồi Bằng Lăng, cả đoàn quyết định nghỉ lại sáng mai đi tiếp. Ngay cái đêm định mệnh đó, đồi Bằng Lăng hứng trọn 21 lượt bom dội xuống từ máy bay B.52. Cả khu đồi gần con thác Mơ đẹp như trong tranh ấy chỉ qua một đêm đã tan hoang, bình địa, chôn vùi trong đó cả lực lượng bám trụ đông đảo và cả Đội Vận tải  16 nữ, 2 nam của Đoàn H.50.

Lại nói về tình hình năm 1967- 1967, địch ráo riết gom dân lập lại các ấp chiến lược. Tình hình càn quét càng lúc càng tăng cường, riêng khu Tam Giác bị càn quét liên tiếp 40 ngày. Các chiến dịch bắt lính ngày càng ồ ạt. Cuối năm 1967, thấy cha và em gái Huỳnh Thị Xí cũng đã tự lo liệu được cuộc sống, anh Huỳnh Văn Ba, người con trai duy nhất của mẹ Phan Thị Thiệt quyết định thoát ly, xung phong vào đội du kích Mương Mán.

Mùa xuân 1968, gần 50 ngày đêm liên tiếp tham gia tấn công, lúc đánh du kích đơn lẻ cùng với đội du kích Mương Mán, lúc đánh phối hợp với các đơn vị khác. Và trong một trận tiến đánh phối hợp với lực lượng chính quy như thế thì anh Ba bị lọt vào ổ phục kích của lực lượng Bảo An và bị vướng mìn. Được đồng đội cõng dìu ra Cứ nhưng trên đường đi vì vết thương nặng, máu ra nhiều quá anh hy sinh.  Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh Ba trăn trối với đồng đội: “Nhờ các anh chăm sóc... đứa em gái út duy nhất... của tôi!”.

Còn lại một mình, chị Huỳnh Thị Xí vẫn kiên cường là một cơ sở cách mạng tin cậy. Nhiều lần bị địch nghi vấn, tra hỏi nhưng chị vẫn một mực không khai, chị Xí vững vàng bám trụ hoạt động bí mật cho đến ngày giải phóng miền Nam, 1975.

Cả ba người con của mẹ Phan Thị Thiệt đều là những chiến sĩ cách mạng, tuy trên các mặt trận khác nhau nhưng họ đều là những người con kiên trung trên quê hương, nhất là hai người con Huỳnh Thị Hai và Huỳnh Văn Ba. Tất cả cuộc sống, tuổi thanh xuân, máu, mồ hôi và nước mắt mẹ đều dành hết cho quê hương, cho lý tưởng cách mạng, mẹ Phan Thị Thiệt xứng đáng được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 26/12/2014.

Hiện nay, chị Huỳnh Thị Xí cùng chồng con đang cư ngụ tại khu phố Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam, là người thờ cúng hương khói cho Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Thiệt...

Cơn mưa ở đồi Bằng Lăng lại tiếp tục trút nước, dọc theo triền đồi những cụm hoa bằng lăng tím sũng ướt buồn bã. Tôi biết nguyên nhân của khí âm dưới chân núi Thần sao đậm đặc đến vậy, từng ô vuông đất nơi đây đều đã được trộn lẫn trong đó máu xương của bao người, vùi dập trong đó bao nhiêu mảnh đời thanh xuân, không chỉ có chị Hai ở Đại Nẫm, con gái mẹ Thiệt, không chỉ có những du kích quân của Phước Long, Đồng Xoài... nó còn có máu xương của nhiều thế hệ người Việt.  Vết thương cộng đồng ấy khó mà lành miệng trong ngày một ngày hai, chỉ mong sao mảnh đất thấm máu này mau chóng hồi sinh, chỉ mong những gia đình như gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Thiệt không bị rơi vào quên lãng.

Ký: Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Anfield không “địa chấn”!
Điều thú vị tại các trận đấu tranh Cúp tại nước Anh là đội trong nhóm cầm đèn đỏ tại giải hạng …4 vẫn có cơ hội “hạ” đội dẫn đầu giải Ngoại hạng. Đó là trận cầu tại vòng 3 FA Cup vào tối 11/01/2025, khi Liverpool gặp đối thủ Accrington Stanley, đội bóng đang chơi ở giải hạng 4 Anh và đang nằm trong cuộc đua trụ hạng. Song “địa chấn” đã không xảy ra trên Anfield.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ một dòng tên trên đồi Bằng Lăng