Từ ngày 14/6 - 1/7 Bình Thuận ghi nhận có 6 ca nhiễm. Từ ngày 2 - 6/7/2022, tỉnh không ghi nhận bất cứ ca nhiễm Covid-19 nào liên tiếp trong 5 ngày, không có ca diễn tiến nặng, không có ca tử vong. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn 5 ca mắc Covid-19 đang điều trị 2 ca tại cơ sở y tế và 3 ca điều trị tại nhà. Bình Thuận khống chế, kiểm soát dịch Covid-19 với số ca mắc giảm mạnh. Số ngày không có ca nhiễm chiếm tỷ lệ cao trong tháng.
Mặc dù tình hình dịch bệnh được khống chế, kiểm soát trên địa bàn tỉnh nhưng ngành y tế và các địa phương vẫn không chủ quan, lơ là; thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành trong công tác phòng, chống dịch. Đó là xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 - 2023 thực hiện đúng theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về việc ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về ban hành chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Các phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững; dự báo 2 tình huống có thể xảy ra.
Với tình huống 1, chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa. Trong khi đó, cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn. Tình huống 2, xuất hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Theo đó, ngành y tế đều có giải pháp cho các tình huống trên. Tình huống 1 - ngành y tế tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật và hoàn thiện kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19 dựa trên diễn biến tình hình dịch tại địa phương; chủ động chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện phòng hộ cá nhân, oxy y tế. Khi dịch bệnh lan rộng tại địa phương, huy động tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân tham gia công tác thu dung, quản lý, điều trị Covid-19. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị ít nhất 40% số giường bệnh để thu dung, điều trị Covid-19.
Ứng phó với tình huống 2 - ngành y tế áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch như ở tình huống 1 và tập trung các hoạt động cơ bản. Đó là thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Các biện pháp giám sát, xét nghiệm được triển khai đồng bộ để phát hiện các trường hợp nhiễm. Từ đó, ngành y tế cùng các cơ quan liên quan kịp thời khoanh vùng, cách ly, dập dịch một cách sớm nhất. Đồng thời, tổ chức quản lý, chăm sóc tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tăng cường hoạt động của trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, nhóm bác sĩ đồng hành… Khi cần thiết, bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực sẽ được triển khai.