Điều đáng chú ý, người dân ở những khu dân cư nằm ven bờ biển từ thị trấn Liên Hương, qua Bình Thạnh, tới thị trấn Phan Rí Cửa, có cuộc sống, tâm trạng trái ngược nhau, tùy thuộc vào nơi đã được xây kè biển, nơi chưa. Do ở cách nhau không xa, nếu tính theo bờ biển nên dân có biết cảnh tượng “chạy loạn” trước đó và cuộc sống ổn định, khởi sắc sau khi có kè biển ở làng bên. Trong cảnh đó, việc kiến nghị được xây kè biển nhằm ổn định cuộc sống đã kéo dài nhiều năm nay nên nỗi mong ước của người dân ở nơi biển có thể nuốt nhà cửa, vườn tược bất cứ lúc nào đã lên đỉnh điểm.
Biển lở ở xóm Tân Phú
Bức xúc nhất cho tình hình trên là người dân tại khu vực Tân Phú, khu phố Phú Thủy, thị trấn Phan Rí Cửa. Vào những ngày này, biển tiếp tục “nuốt” đất dân. Hôm chúng tôi đến, chứng kiến cây dương cao hơn 20m nằm chổng chê trên mép nước. Không có bãi cát rõ ràng như những bờ biển thường thấy nên thành ra biển ở đây tiếp giáp 1 căn nhà dân là tới đường đi của cả xóm. Bên kia, phía bắc xóm Tân Phú là cầu quay của Kho xăng dầu Dương Đông – Hòa Phú. Người dân trong vùng cảm nhận rằng, có thể vì sự “án ngữ” đó mà trong năm, mùa gió nào khu vực Tân Phú cũng bị sóng kết hợp triều cường đánh lở bờ kéo dài đến 9 tháng trời. Ngoại trừ tháng 3-5, biển bồi, nhưng chẳng thấm vào đâu so với đất bị mất. Nhiều năm nay, mỗi lần biển lở nặng, Tuy Phong lại có báo cáo, kiến nghị làm kè. Vào cuối tháng 12/2023, UBND huyện Tuy Phong tiếp tục có báo cáo gửi cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ biển Tân Phú với thống kê đã có 400 m bờ biển bị ảnh hưởng. Biển đã lấn sâu vào khu dân cư làm sập tường rào của nhân dân và có nguy cơ xói lở ngày càng mạnh hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 12 hộ dân/59 nhân khẩu.
Điều đó cũng đồng nghĩa những lần đắp bờ chắn sóng bằng bao cát, gia cố bằng cọc chằng chống của lực lượng xung kích, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòa Minh và nhân dân ở đây đều không thể cầm cự được trước sóng biển quá mạnh ở đây.
Gia đình ông Nguyễn Quốc Hùng đang cầm cự với sóng biển, chỗ chái hiên sau nhà, nhìn từ xa cứ như khu đất đang dôi ra biển, khi hai bên đã sụp xuống biển với dấu vết còn rất mới. Ông than thở: “Những ngày này gia đình sống trong hồi hộp, không đêm nào ngủ tròn giấc, vì sợ biển nuốt nhà trong dịp tố thanh minh. Mong Nhà nước sớm xây kè chắn sóng như bên kia. Trước, bên ấy dân cũng sống nơm nớp như ở đây. Nhưng từ khi có kè, cuộc sống yên ổn, tối đến, lớp nhỏ hát hò, uống cà phê trên bờ kè, nghe sóng vỗ bờ”.
Nếu được xây kè biển, xóm Tân Phú cũng có thể trở thành nơi thu hút du khách đến, ngắm cầu quay của Kho xăng dầu Dương Đông – Hòa Phú ở phía xa ngoài biển rất hấp dẫn. Ông Mai Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Phan Rí Cửa cho biết, trước mắt mong được sớm xây kè để ổn định bờ biển cũng là giữ nhà dân. Đó là tài sản mà dân gom góp gầy dựng cả đời nên nếu mất nhà là mất tất cả.
Những ngày êm bờ ở Bình Thạnh
Trong khi khu vực Tân Phú dữ dằn sóng lớn thì khu vực ven biển xã Bình Thạnh đang những ngày êm bờ, nhờ có mũi La Gàn chắn sóng từ xa. Vì thế, bây giờ bờ biển đã xây kè giai đoạn 1 và cả bờ biển chưa xây kè thuộc giai đoạn 2, sóng vỗ bờ nhẹ. Thế nhưng, nhìn quang cảnh khu vực chưa xây kè thì có thể hình dung trong mùa gió tây nam năm trước, sóng biển dữ dằn cỡ nào. Những căn nhà sát biển, cái đã bị bong nóc, cái dỡ vòng thành; những căn còn nguyên thì đều được xây kín mít phía biển, cửa đóng im ỉm, phủ màu rêu mốc; những hàng dừa nghiêng về phía biển nhem nhuốc, cây bụi thấp còn lưu giữ rác.
Cuối tháng 12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định về việc hỗ trợ kinh phí để xây dựng kè tạm chống sạt lở bờ biển khu vực Tân Phú, khu phố Phú Thủy, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong. Theo đó, duyệt chi 2,288 tỷ đồng, từ nguồn phòng, chống thiên tai tỉnh năm 2023.
Ông Đoàn Kỳ Bạch, ở bên kia đường đi, tức cách đường đi và dãy nhà phía biển khoảng 100 m, kể: “Năm nào nước biển cũng tràn lên đường lộ. Nhiều người có điều kiện đã rời đi nên có nhiều nhà đóng cửa, vắng chủ. Nhà ông, do ảnh hưởng nước biển nên các thiết bị điện tử nhanh hư. Có ngày cánh quạt đọng nước biển, khi quạt nước biển văng tung tóe đầy nhà. Nghe nói, chính quyền đã nhiều lần kiến nghị, mấy năm qua, do chưa có vốn”.
Dọc theo bờ biển xơ xác này chỉ dài gần 500 m là đụng mũi Bãi Trọ. Ở mặt kia mũi Bãi Trọ lần theo bờ biển là thuộc địa phận thị trấn Liên Hương, nơi đó đã được xây dựng kè biển với 2 giai đoạn dài 1.000 m, từ 2 - 3 năm trước để bảo vệ nhà dân thuộc khu phố 12, 13, 14. Trước đây, cứ vào mùa gió đông bắc, nơi đây biển nuốt nhà, nuốt đất, dân “chạy loạn”, ngay cả những ngày tết. Chứng tích vẫn còn nguyên là nhà cửa, vườn cây đang nằm dưới làn nước biển xa bờ khoảng 400 - 500 m cũng như chứng tích những căn nhà bị sóng đánh lở nằm bên trong kè Liên Hương, dân chưa kịp dọn. Còn giờ, kè biển Liên Hương là nơi nhiều người đến tập thể dục vào 2 buổi sáng, chiều, tắm biển, chụp ảnh… Vì ngồi ở kè, nhìn phía biển, Hòn Cau mờ ảo trong sương. Trên những đồi bãi cao trong kè là xóm nhà dân lô nhô, mái cao vút của nhà thờ, cánh quạt điện gió quay... tạo quang cảnh làng biển có triển vọng.
Ông Nguyễn Thái Học, nhà nằm ven kè Liên Hương thuộc khu phố 14, thị trấn Liên Hương cho biết: "Từ khi có kè Liên Hương, thấy nhiều người đến đây vui chơi, ngắm cảnh, có cả dân ở xa, vì đi ô tô có biển số ở các tỉnh, thành khác nên nhà ông mở quán bán đồ ăn, thức uống. Nhờ vậy, gia đình thêm nguồn thu nhập này, ngoài thu nhập từ đánh bắt hải sản".
Ông Huỳnh Em, Chủ tịch UBND thị trấn Liên Hương cho rằng, từ khi có kè Liên Hương đã mở ra không gian phát triển cho khu vực này, khi kết nối với bến neo đậu tàu thuyền Liên Hương, cũng là nơi các tàu chở khách du lịch ra Hòn Cau tham quan, vui chơi. Hiện nay, khu vực kè bắt đầu đông khách đến vui chơi, mua bán nên thị trấn có kế hoạch sẽ xã hội hóa trong lắp điện mặt trời và camera an ninh dọc theo kè biển để bảo đảm cho khu vực kè an toàn, tiện lợi.