Tuyên truyền, nhắc nhở
UBND huyện Tuy Phong cho biết, thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”, huyện đã quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, ngành phối hợp, đồng bộ, chủ động trong triển khai thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm.
Theo đó, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức 21 buổi nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm cho 12 xã, thị trấn; treo 3 đợt 46 băng rôn, khẩu hiệu về an toàn thực phẩm; cấp 105 tờ tranh, áp phích, 130 tài liệu hỏi đáp, 28 băng hình và 52 băng ghi âm cho UBND các xã, thị trấn tuyên truyền về VSATTP. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng tổ chức 7 lớp thông tin, truyền thông về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Ngoài ra, hàng năm vào các đợt cao điểm, Phòng Kinh tế và Hạ tầng tổ chức treo băng rôn tuyên truyền về an toàn thực phẩm tại các chợ và khu đông dân cư. Nhờ đó, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từng bước đi vào chiều sâu, lan tỏa trong cộng đồng động dân cư. Nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được nâng lên, việc sử dụng một số thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc ngày càng hạn chế.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm được các ngành chức năng quan tâm tổ chức thực hiện, nhất là các đợt cao điểm. Trong 2 năm, ngành y tế huyện đã kiểm tra 1.170 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố (tuyến huyện kiểm tra 77 cơ sở, tuyến xã, thị trấn kiểm tra 1.093 cơ sở). Kết quả có 263 cơ sở kinh doanh thực phẩm và cơ sở dịch vụ ăn uống vi phạm VSATTP. Đã nhắc nhở 243 cơ sở, phạt tiền 20 cơ sở với số tiền hơn 45 triệu đồng. Các cơ sở vi phạm chủ yếu về giấy khám sức khỏe của người quản lý và người trực tiếp chế biến thực phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về VSATTP, giấy xác nhận kiến thức về ATTP, điều kiện kinh doanh thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, công thương cũng tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hiện nay vẫn tuyên truyền nhắc nhở là chính.
Thường xuyên kiểm tra VSATTP
Theo huyện Tuy Phong, thời gian tới, giải pháp để giảm ngộ độc thực phẩm được huyện xác định là tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các phòng, ban, ngành, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước đối với UBND xã, thị trấn về an toàn thực phẩm theo phân cấp. Đồng thời, củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ kiểm tra về an toàn thực phẩm từ huyện đến xã, bảo đảm các hoạt động phù hợp với Luật An toàn thực phẩm. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng VSATTP đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Quản lý chặt chẽ VSATTP các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó chú trọng công tác vận động nhân dân thay đổi những phong tục, tập quán, thói quen ăn uống mất vệ sinh. Phối hợp với UBMTTQ huyện tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân về những kiến thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm không an toàn.
Có thể thấy, việc thực hiện Chỉ thị 13 về “Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm” ở huyện Tuy Phong đã đạt nhiều kết quả. Trong đó, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về ATTP, giảm bớt rủi ro gây ra các vụ ngộ độc; đã tác động tích cực đến ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến trong việc tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP.
M.V