Theo dõi trên

Tuy Phong: Quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư năng lượng

23/03/2023, 05:21

Việc hàng chục dự án năng lượng đã và đang đầu tư trên địa bàn huyện Tuy Phong đang đặt ra vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, để đảm bảo phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường, tiết kiệm đất đai, hài hòa lợi ích giữa các bên trong khai thác tài nguyên.

Tiềm năng lớn

Với tiềm năng lợi thế cho phát triển các loại hình năng lượng, trong những năm qua, Trung tâm điện lực Vĩnh Tân nằm cạnh bờ biển trên địa bàn huyện Tuy Phong đi vào hoạt động quy mô hàng đầu cả nước. Hiện 3 nhà máy nhiệt điện lắp ráp thiết bị hiện đại, tổng công suất 4.244 MW đáp ứng cơ bản phát triển vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Trong khi đó, 2 nhà máy điện gió tổng công suất 80 MW, 9 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 308 MW đang hoạt động trên địa bàn huyện. Bên cạnh, các dự án khả thi khác đang được xúc tiến như: dự án nhà máy điện gió trên đất liền (Vĩnh Hảo 6.3) công suất 70 MW, 4 dự án nhà máy điện gió trên biển (ngoài khơi) tổng công suất khoảng 8.800 MW, 17 dự án điện mặt trời (ĐMT) tổng công suất khoảng 1.800 MW. Những dự án trên chủ đầu tư đã đăng ký khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng, góp phần khai thác năng lượng tái tạo, gắn bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên những năm tới.

dsc07565.jpg
 Vùng đất nắng gió Tuy Phong có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo

Việc nhiều dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư trên địa bàn đang đặt ra vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng để đảm bảo phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích giữa các bên. Về phía huyện Tuy Phong cho rằng, đối với các dự án điện gió cần được quy hoạch trên cơ sở đã điều tra đánh giá chính xác tốc độ bình quân của gió ở các độ cao và vị trí khác nhau. Điện gió ưu việt hơn điện mặt trời (vì ít ảnh hưởng đến biểu đồ phụ tải của hệ thống, không phụ thuộc vào ngày/đêm, chiếm ít diện tích hơn điện mặt trời), nhưng việc thi công xây dựng và bảo trì khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, giá FIT mua điện gió, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi (có tiềm năng lớn) cần được khuyến khích mua cao hơn giá điện mặt trời, thời hạn khuyến khích cũng nên kéo dài hơn. Huyện nêu kiến nghị các bộ ngành Trung ương, tỉnh xây dựng đồng bộ các đường dây tải điện; không chấp thuận đầu tư các dự án năng lượng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng các vấn đề xã hội; cũng như đầu tư xây dựng đường dây 500 kV phục vụ tải nguồn điện gió ngoài khơi cho các dự án sau này.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong nêu đề xuất: “Cần đầu tư có chọn lọc dự án ĐMT lắp ráp công nghệ hiện đại; sử dụng các tấm pin mặt trời (PV) thuộc thế hệ gần nhất (có các thông số kỹ thuật cao, có thể nhận bức xạ từ cả hai mặt) để hạn chế tối đa diện tích chiếm đất. Hiện tại thông số ĐMT trên địa bàn là 1MW/1ha còn chiếm nhiều diện tích đất, tấm pin năng lượng vòng đời 15 năm nguy cơ phát sinh rác thải điện tử. Cùng đó, ĐMT sử dụng các thiết bị chuyển đổi điện (từ “một chiều” sang “xoay chiều”) và thiết bị lưu trữ có hiệu suất cao để giảm giá thành điện năng”.

Ngoài ra, việc lắp đặt trên các mái nhà (ĐMT áp mái), để tận dụng các nguồn vốn của dân cư, các tổ chức. Đây là nguồn điện phân tán tại nơi tiêu thụ, phân tán vốn đầu tư trong xã hội, thời gian triển khai nhanh, chủ yếu sử dụng tại chỗ, hạn chế gây áp lực lên hệ thống lưới truyền tải, cũng như hạn chế sử dụng đất tập trung ở quy mô lớn.

Trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với UBND huyện Tuy Phong mới đây về thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận huyện đã tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư vào phát triển các nguồn năng lượng trên địa bàn, phù hợp chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch của tỉnh. Việc đầu tư lĩnh vực này góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng nguồn thu lớn ngân sách tỉnh (khoảng 2.000 tỷ đồng/năm), giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đông đảo lao động địa phương. Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị huyện làm tốt công tác quản lý năng lượng trên địa bàn, thu hút đầu tư; tăng cường công tác tuyên truyền, tranh thủ sự ủng hộ của người dân trong việc phát triển năng lượng; phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh làm tốt công tác bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ kiến nghị tại các kỳ họp Quốc hội tới như đầu tư đường dây tải điện, thu hút các dự án năng lượng tái tạo nhằm phát triển phù hợp, tháo gỡ hướng ra cho ngành điện nói chung và Bình Thuận nói riêng.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận luôn chú trọng đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, góp phần phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư năng lượng