Lễ cầu ngư ở Bình Thạnh. |
Bảo tồn và phát huy giá trị các thiết chế văn hóa
Với dân số trên 150.000 người, nơi có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, Tuy Phong đã phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên cùng những bản sắc văn hóa, với tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc, có những bước đi hiệu quả trong thực hiện mục tiêu xây dựng con người mới, làng xã mới gắn với nông thôn mới, tạo nên nguồn lực tinh thần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho nhân dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống.
Đáng ghi nhận là các di tích văn hóa, lịch sử ở Tuy Phong được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống văn hóa đương đại, trong đó 4 di tích Đình Bình An, Chùa Cổ Thạch (xã Bình Thạnh), Tháp Pô Dam (xã Phú Lạc), Miếu Quan Thánh (xã Chí Công) được công nhận cấp quốc gia và có 10 di tích cấp tỉnh như Đền thờ Pô Nưng Rúp (xã Phong Phú), Đình làng Lâm Lộc (xã Hòa Minh), Đình làng Long Hương (thị trấn Liên Hương), Chùa Phú Sơn (xã Phú Lạc), Khu di tích lịch sử Cát Bay, Lăng ông Nam Hải (xã Bình Thạnh), Đền thờ Hùng Vương, Vạn Tả Tân, Miếu Hải Tân (thị trấn Phan Rí Cửa), Chùa Phước An (xã Chí Công). Các lễ hội truyền thống như Nghinh thần ở Đình làng Long Hương, cúng vạn đảo Lao Câu, Pô Tằm và Katê, giỗ tổ Hùng Vương... đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu trong đời sống cộng đồng dân cư, tô đậm thêm sắc thái văn hóa của địa phương. Không chỉ vậy, các nhạc cụ truyền thống như trống Ginăng, trống Paranưng, kèn Saranai của dân tộc Chăm, Mã La của dân tộc Rắclai... được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sắc thái văn hóa vô cùng độc đáo. Đến nay, toàn huyện có 2 Trung tâm Văn hóa, thể thao cấp huyện, 1 nhà hát và 8 nhà văn hóa xã (Bình Thạnh, Chí Công, Hòa Minh, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Phong Phú, Phú Lạc, Phan Dũng) và 27 Nhà văn hóa thôn, 12/12 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng và 8/12 xã, thị trấn có sân bóng đá 11 người. Các thiết chế văn hóa, thể thao thường xuyên duy trì tổ chức nhiều hoạt động, đem lại hiệu quả thiết thực, trở thành nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội, kịp thời phổ biến các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật, tuyên truyền giáo dục về lối sống, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, hướng con người đến chân thiện mỹ.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Một trong nhiều hoạt động về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” mà Tuy Phong thực hiện, đó là chú trọng việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trọng tâm là văn hóa gia đình. Trong đó, Tuy Phong quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thông qua thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như: Việc thờ cúng tổ tiên, tri ân những người có công với nước, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống… nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong nhân dân và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Nhận thức của người dân được nâng lên, cuối năm 2018, có 32.181 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 91,80%, tăng 2,77% so với năm 2014 và có 48 thôn – khu phố đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 72,72%, tăng 9,09% so với năm 2014. Ngoài ra, có 152 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 97,43%. Trong 5 năm qua, nhiều công trình hạ tầng nông thôn được ra đời từ sự tự nguyện đóng góp tiền của, đất đai, công sức của người dân với giá trị hàng trăm triệu đồng, góp phần làm cho bức tranh nông thôn mới của huyện ngày càng sinh động.
Điều đáng mừng là người dân đã nhận thức đầy đủ hơn việc xây dựng gia đình văn hóa trên thuận, dưới hòa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, chăm lo phát triển kinh tế, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp nhau trong cộng đồng cũng như khơi dậy tinh thần lao động cần cù, ý chí tự lực vượt khó của hộ nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Từ tác động của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”… được nhân rộng trong cuộc sống hàng ngày và trở thành nét đẹp luôn được trân trọng và biểu dương.
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, không chỉ giúp hộ gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn mà còn cùng nhau nỗ lực thực hiện tốt các phần việc hộ gia đình tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của huyện Tuy Phong.
MINH CHIẾN