Đăng ký “nhỏ giọt”
Ghi nhận tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận, thời điểm này số lượng hồ sơ đến xét tuyển chưa nhiều, mỗi ngày chỉ một vài trường hợp. Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tâm cho biết, đây là tình hình chung ở các trường nghề và năm nào cũng vậy. Muốn có học sinh, các trường nghề phải chịu khó chờ các đợt xét tuyển cao đẳng, đại học hoàn thành. “Chạy cùng đường mới vào trường nghề”, ông Tâm cho biết. Vì lẽ đó, mùa tuyển sinh của trường kéo dài quanh năm, cứ 3 tháng tiến hành mở lớp một lần. Quy chế tuyển sinh luôn được nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Năm 2016, trường tiếp tục mở 8 ngành của hệ cao đẳng và 16 ngành hệ trung cấp. Với tổng chỉ tiêu là 610 sinh viên, trong đó hệ cao đẳng là 250, còn lại là chỉ tiêu trung cấp. Theo thống kê, đến thời điểm này trường nhận trên 100 hồ sơ xét tuyển hệ cao đẳng, trên 180 hồ sơ hệ trung cấp (chưa tính hồ sơ học sinh dân tộc thiểu số) chiếm gần 50%. Với các điều kiện xét tuyển khá đơn giản, căn cứ vào kết quả học bạ cuối năm lớp 9 cho đối tượng là THCS, và kết quả điểm lớp 12 cho học sinh THPT hoặc dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Đối với hệ THCS sẽ được miễn phí hoàn toàn học phí, không phân biệt diện chính sách theo quyết định của UBND tỉnh. Các hệ đào tạo khác sẽ được miễn giảm tùy theo đối tượng. Tuy nhiên, với việc học phí năm nay có tăng hơn, e rằng việc tuyển sinh sẽ gặp khó khăn.
Nghề lương cao, dạy miễn phí cũng không học
Để sinh viên ra trường có cơ hội tìm được việc làm, bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, ký kết với các doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ, trường còn bám sát nhu cầu việc làm mà xã hội cần để mở ngành đào tạo, tư vấn cụ thể cho từng sinh viên khi nộp hồ sơ xét tuyển. Với tỷ lệ hằng năm có khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm, trong tình hình tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đây là một sự cố gắng rất lớn của Trường Cao đẳng Nghề. Tuy nhiên theo ông Tâm, để số người học nghề ngày càng tăng, đảm bảo được tỷ lệ lao động qua đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cần phải thay đổi mạnh tư duy trong quá trình hướng nghiệp. Nhất là chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, làm sao siết chặt đầu vào THPT, định hướng rõ cho các em thấy được phải vào trường nghề nếu khả năng học lực không chắc chắn. Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp tập trung để thu hút nhân lực. Ông Tâm cho biết thực tế có nhiều nghề đào tạo nhanh, miễn phí, lương cao nhưng học viên không học. Chẳng hạn như nghề hàn, chỉ đào tạo 3 tháng, không thu học phí, làm việc tại Đồng Nai và trong tỉnh, lương từ 5 triệu – 6 triệu đồng/tháng nhưng không có học viên đăng ký học. Nhiều năm qua, trường cũng đã ký kết với các doanh nghiệp như Công ty Cơ điện lạnh Miền Đông cần cung cấp 300 công nhân/năm làm nghề hàn, cơ khí, điện lạnh với mức lương 5 triệu đồng/tháng tại Đồng Nai, hỗ trợ chỗ ở, bồi dưỡng ăn uống nhưng cũng không có người để tuyển. Trong khi việc làm tại tỉnh, mức lương thấp, cơ hội không nhiều, khiến nhiều người “ngại” học nghề. Đây là thực trạng chung dẫn đến trường nghề luôn lo lắng “hụt” chỉ tiêu.
Khánh NgỌc