Kiểm tra 811 cơ sở
Từ ngày 27/12/2024 đến nay (thời điểm trước tết), các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh, huyện và xã kiểm tra 811 cơ sở nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm tại Bình Thuận dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025. Cụ thể, 23 cơ sở sản xuất thực phẩm, 105 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 654 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở đều đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, với tổng số 810 cơ sở đạt tiêu chuẩn, chiếm hơn 99% tổng số cơ sở kiểm tra. Tuy nhiên, có một cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 0,1%. Vi phạm này liên quan đến việc sản xuất thực phẩm có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sản xuất, bị xử phạt 6 triệu đồng. Mặc dù tỷ lệ vi phạm rất thấp, nhưng điều này cho thấy công tác kiểm tra đã đạt hiệu quả cao và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh ý thức được trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Tòng - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đánh giá: Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội xuân 2025 tại tỉnh được triển khai nghiêm túc theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Các huyện, thị xã, thành phố đều ban hành kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và thực hiện hiệu quả. Đồng thời, công tác truyền thông về an toàn thực phẩm được thực hiện đồng bộ, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần hạn chế bệnh truyền qua thực phẩm.
Tránh tích trữ nhiều thực phẩm ngày tết
Từ ngày 27/12/2024 đến hết ngày 25/3/2025, Bình Thuận triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn tỉnh nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025. Hoạt động kiểm tra liên ngành được tăng cường ở cả cấp tỉnh, huyện và xã, tập trung vào các nhóm thực phẩm tiêu thụ nhiều, có nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm và khu vực đông dân cư. Đồng thời, các kênh truyền thông được huy động tối đa để tuyên truyền các quy định pháp luật, hướng dẫn người dân cách chọn lựa, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn.
Các đoàn tuyên truyền với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện các quy định về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, phụ gia đúng quy định. Hướng dẫn bảo quản và kinh doanh các sản phẩm truyền thống, đồng thời phổ biến quy định về sản xuất, kinh doanh rượu theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP. Quảng bá các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, khuyến khích phát triển sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Vận động các cơ sở thực hiện nghiêm quy định pháp luật, thay đổi thói quen thiếu vệ sinh, góp phần bảo vệ sức khỏe, môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với người tiêu dùng thực phẩm được hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; không mua thực phẩm từ cơ sở không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu hư hỏng. Tránh tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết để đảm bảo tươi ngon và dinh dưỡng. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, lên án và tẩy chay các sản phẩm không an toàn.