Bà Lê Thị Thoa và cháu L.T.T. |
Nhói lòng trẻ mồ côi có “H”
Ở khu phố 3, thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) bé Nguyễn N.H.T (2,5 tuổi) vẫn hay bị hắt hủi gọi bằng “thằng bé si đa”. Còn quá nhỏ để hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Cũng không biết vì sao người ta cứ quát tháo khi thấy nó đến gần chơi đùa với những đứa trẻ khác. Sau mỗi lần bị xua đuổi thằng bé lại rụt rè, sợ sệt. Đêm tối. Trên nền xi măng chật hẹp, ẩm ướt cả nhà xếp hàng nằm ngủ đôi lần bị đánh thức bởi tiếng nó khóc thét. Đến cả trong giấc mơ, hành động ác ý cũng làm nó tủi thân. Thương cháu, chị Nguyễn Thị Ánh Thanh - dì ruột, người đang cưu mang bé N.H.T, bấm bụng dành dụm ngày 30.000 đồng cho nó đi nhà trẻ. Đi học chưa được bao lâu thì cô giáo từ chối vì biết nó mang trong người HIV. Cô giáo sợ nó sẽ lây nhiễm cho học sinh khác trong lớp. “Cả xóm xem sự tồn tại của nó như một cái gì đó rất nguy hiểm, họ xa lánh! Nó chỉ quanh quẩn ở nhà…”, giọng chị Thanh nghèn nghẹn.
Bé N.H.T là con thứ 4 của người em gái xấu số của chị Thanh đã mất cách đây 2 năm vì căn bệnh AIDS. Người chồng cũng bỏ đi, để lại 4 đứa con thơ. Đứa con trai lớn năm nay 19 tuổi, theo chồng chị làm thợ hồ. Còn lại 1 đứa bỏ nhà đi biền biệt, đứa thì đang học lớp 7 và bé N.H.T. Chứng kiến cái chết vì bệnh của em, chị Thanh không quên được: “Nó nằm đó, thân hình chỉ còn da bọc lấy xương, hơi thở thoi thóp. Do không điều trị, sức khỏe đã suy kiệt, lại thêm bị lao phổi nên sinh bé N.H.T không bao lâu thì trút hơi thở cuối cùng. Ngày mẹ nó mất, mình đưa nó đi bệnh viện xét nghiệm thì kết quả dương tính với HIV. Cứ 2, 3 ngày cháu lại sốt, vừa thương lại vừa lo”, chị Thanh nhớ lại. Thời gian đầu, bé N.H.T sống cùng bà ngoại và cậu ruột. Tuổi đã cao, ngoại chăm sóc cháu được chừng 4 tháng thì bà mất. Người cậu vì sợ cháu lây nhiễm cho con mình đã không cho ở cùng. Thấy nó bị xa lánh từ trong nhà cho đến xóm làng, không đành đoạn, chị liều đem bọn trẻ về nhà nuôi. “Mình nghèo quá, thôi trời cho sức khỏe mình cố gắng dù sao cũng chữa bệnh cho cháu!”, chị Thanh nghĩ trong bụng. Nên dù bận, mỗi tháng chị đều gác lại mọi chuyện để bắt xe đưa cháu vào Phan Thiết khám, lấy thuốc uống đều đặn... Gió thổi càng mạnh, căn nhà tôn lụp xụp những vỏ bao xi măng che chắn cứ đập phành phạch, ken két. Căn nhà liêu xiêu trước gió như chính cảnh đời côi cút, bệnh tật của cậu bé bất hạnh.
Những đứa trẻ vô tội
Cháu N.H.T là một trong số 28 trẻ nhiễm HIV đang điều trị tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Đa phần các cháu ở đây đều có hoàn cảnh éo le, có đứa mất cha lẫn mẹ. Những đứa trẻ đáng thương, vô tội khi sinh ra đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ từ người lớn. Hàng ngày trẻ phải uống thuốc theo yêu cầu người lớn và không hiểu vì sao mình bị hắt hủi, xa lánh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lai – Trưởng phòng khám chuyên khoa, đa khoa điều trị HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Một số trường hợp xét nghiệm HIV, mẹ dương tính từ trước nhưng vì sợ bị kỳ thị, họ từ chối điều trị hoặc không điều trị để bệnh trở nặng. Khi qua đời, bỏ lại trẻ nhỏ bơ vơ, phải nương nhờ người thân. Trường hợp em L.T.T ở Văn Thánh 3, phường Phú Tài (Phan Thiết) hiện ở với bà ngoại cũng vậy. Cô bé T là đứa trẻ lớn nhất đang điều trị tại trung tâm với hơn 13 năm điều trị uống thuốc ARV (thuốc làm giảm sự phát triển HIV trong cơ thể). Năm nay T bước sang tuổi 16. Sau nhiều lần tôi hẹn gặp bà Lê Thị Thoa – bà ngoại T đều bị từ chối. Thuyết phục mãi bà đồng ý gặp tại nhà một người thân. Bà chậm rãi nói: “Cô nuôi T từ ngày mới lên 3, lúc ba mẹ nó lần lượt ra đi vì bệnh AIDS…”. Đang thì con gái mới lớn, nhìn T khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Chỉ có nước da hơi ngả vàng có phần bợt bạt. T ít nói, đôi mắt như ẩn chứa một nỗi buồn khó tả…
Bà Thoa chỉ có duy nhất một mụn con gái, gia cảnh neo đơn. Nói về ba mẹ T, bà Thoa chậm rãi kể: Ba con T tánh hiền lành, siêng năng. Nó làm biển đi suốt rồi không biết qua lại với ai? Bữa đó bạn thuyền báo tin nó sốt liên hồi, chở về nhà đưa đi xét nghiệm mới hay nhiễm HIV, điều trị không bao lâu thì mất. Bà sốt sắng đưa con gái và cháu ngoại đi xét nghiệm thì hai mẹ con nó đều bị HIV. Chồng chết, con gái bà suy sụp phần thì sợ hàng xóm dị nghị nên từ chối không uống thuốc nên mất theo. “Giá như ngày ấy chịu nghe lời khuyên thì mẹ con T bây giờ vẫn còn”, đôi mắt đỏ au, bà tiếc nuối. Mất con, bà cương quyết không để mất đứa cháu duy nhất. Giấu bặt chuyện T bị nhiễm HIV, bà đều đặn dẫn T đi khám lấy thuốc. Nhớ những lần T bị sốt, chảy máu cam lòng bà như lửa đốt. Hồi học lớp 4, cô giáo buộc thôi học, bà nhờ nhà trường giúp đỡ để T đến trường. Chỉ câu nói: “Con uống thuốc gì mà ngày nào cũng uống vậy ngoại?”, làm T thắc mắc hoài tuổi thơ. Khéo léo giữ cho cháu tuổi thơ lành lặn như bao trẻ khác cho đến ngày T đủ lớn, bà Thoa mới từ từ giúp T hiểu bệnh của mình. May mắn được bà yêu thương, tình thương của ngoại đã giúp T lạc quan, tuân thủ điều trị. T theo học đến lớp 10 vừa nghỉ học, em cho biết dự định sẽ đăng ký học trường nghề.
Nỗi sợ hãi căn bệnh thế kỷ này đã khiến cho nhiều người trong xã hội vô tình tạo nên rào cản đối với những trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS. Trẻ bình thường vốn đã dễ bị tổn thương, thực trạng trẻ nhiễm HIV không được đối xử bình đẳng vẫn còn xảy ra. Chưa kể, trẻ điều trị HIV, trẻ mồ côi ở với ông, bà, chú, dì chăm sóc nên việc tuân thủ điều trị không đạt hiệu quả và dẫn đến thất bại điều trị. Tuân thủ điều trị uống thuốc ARV ở người lớn đã khó, ở trẻ càng khó hơn. Bởi sự tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ còn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân. “Có trẻ khi vào trung tâm điều trị khi gầy gò, xanh xao, suy dinh dưỡng nặng và đáng thương hơn bị nhiễm trùng cơ hội do hệ miễn dịch suy giảm”, bác sĩ Lai trăn trở.
Trách nhiệm gia đình và xã hội
Trẻ nhỏ vốn là đối tượng yếu thế, cần được chăm sóc, bảo vệ... Việc chung tay vào cuộc của cả xã hội để giúp trẻ vượt qua rào cản tâm lý, điều trị đúng phương pháp và sống hòa nhập với cộng đồng là việc làm hết sức quan trọng và cấp bách. Trước đây, nhiễm HIV/AIDS đồng nghĩa với cái chết, nhưng từ khi có thuốc điều trị ARV trẻ em, người lớn nhiễm HIV/AIDS vẫn có cơ hội sống khỏe mạnh và làm việc như người bình thường. Sự phân biệt đối xử xa lánh, ruồng bỏ của cộng đồng khiến trẻ em nhiễm HIV dễ bị tổn thương, là rào cản tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị cho những trẻ bị HIV cũng như công tác dự phòng, tránh lây lan ra cộng đồng. Những số phận trẻ nhiễm HIV bị hắt hủi, nghịch cảnh vẫn còn đó hàng ngày, một lần nữa gióng lên hồi chuông trách nhiệm của người lớn, đặc biệt là vai trò của những người làm cha, làm mẹ. Đừng lấy cắp ước mơ, quyền được được hòa nhập với cộng đồng, được đi học, được vui đùa cùng bạn bè. Bản thân các em đâu có lỗi khi mắc phải căn bệnh này. Các tổ chức, cá nhân cần phối hợp với nhà trường để tuyên truyền, giáo dục về các phương pháp phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong học đường, để những em nhỏ nhiễm HIV có cơ hội được hòa nhập, được đến trường, được có bạn bè. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nỗ lực chú trọng phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tư vấn giúp phụ nữ nắm rõ nguy cơ lây nhiễm và đường lây truyền HIV để họ biết cách tự phòng bệnh cho mình và tránh lây nhiễm HIV cho con.
“Con chỉ ước mơ sinh ra làm người bình thường”, câu nói của cô bé L.T.T lúc ra về làm lòng tôi khắc khoải. Dù may mắn nhận được tình thương vô bờ của người thân cũng không thể lấp đầy ước mơ về mái ấm gia đình, khiếm khuyết trong tuổi thơ và đường đời gập ghềnh phía trước. Hãy mở rộng vòng tay yêu thương trẻ có “H”, các em không được lựa chọn cuộc đời!
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.429 trường hợp nhiễm HIV có địa chỉ tại Bình Thuận đang điều trị uống thuốc ARV. Từ năm 2018 đến tháng 4/2019, ghi nhận 86 ca nhiễm HIV mới. Đáng chú ý lây nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng trẻ hóa, chiếm 71,4% trong tổng số người nhiễm HIV trong năm 2018. Tốc độ gia tăng “đại dịch thế kỷ” dù được đánh giá có chững lại. Tuy nhiên, khi thực trạng người nghiện ma túy tổng hợp đang gia tăng cấp số nhân là chiếc cầu ngắn nhất đến gần hơn với căn bệnh thế kỷ HIV/AISD. |
Phóng sự: Thanh Duyên