Theo dõi trên

Ưu tiên chuyển đổi số vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

23/11/2024, 15:36

BTO-Sáng nay 23/11, tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Bố Thị Xuân Linh mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành có sự quan tâm đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - ĐBQH tỉnh Bình Thuận khẳng định: Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng ban hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật có liên quan, nâng cao tính quy phạm của các chế định trong dự thảo Luật, bảo đảm khả thi, đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật.

231120240949-a11.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - ĐBQH tỉnh Bình Thuận trình bày báo cáo thẩm tra.

Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với với điều ước quốc tế có liên quan. Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật còn chậm, chưa bảo đảm theo quy định.

Về chính sách phát triển Công nghiệp công nghệ số (CNCNS), để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ CNCNS thì cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Vì vậy, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNCNS nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp, liên kết phát triển hệ sinh thái...

Ưu tiên địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn

Tham gia ý kiến thảo luận tại tổ, ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Bố Thị Xuân Linh cho biết: Mới đây tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm về an ninh mạng, chuyển đổi số. Có thể nói, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành rất quan tâm về vấn đề chuyển đổi số, Chính phủ số, xã hội số. Riêng đối với Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là một trong những luật chuyên ngành cao nên đã nhận được sự quan tâm từ trung ương đến địa phương.

7acf54eb567aed24b46b.jpg
ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Bố Thị Xuân Linh thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đại biểu bày tỏ sự tâm đắc và thống nhất cao Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này. Đồng thời đề nghị Ban biên soạn tiếp tục rà soát chỉnh sửa hoàn thiện Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần rà soát tất cả các điều khoản, đặc biệt phần giải thích từ ngữ được phân tán ở tất cả các điều khoản như Điều 9; khoản 1, Điều 12; khoản 1, khoản 2, Điều 14; khoản 1, Điều 25... Do vậy, đại biểu đề nghị Ban biên soạn lưu ý rà soát toàn bộ các điều khoản này và tập trung tại một điều để giải thích từ ngữ.

Bày tỏ sự quan tâm đến Điều 34 về chế độ chính sách ưu đãi, đại biểu cho biết hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, việc thực hiện chuyển đổi số vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, nhiều vùng chưa có điện nên việc thực hiện chuyển đổi số, an ninh mạng còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành để khắc phục những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn.

Đại biểu bày tỏ mong muốn Chính phủ cũng như các bộ, ngành có sự quan tâm đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tại Điều 34, đại biểu thống nhất là trong dự thảo luật có bổ sung chỉnh sửa ưu tiên đối với vùng khó khăn quy định tại luật hiện hành. Tuy nhiên cần phải phân tích rõ ràng hơn, đặc biệt chú ý đến những địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Tại Điều 64, để thống nhất thực hiện quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29, nội dung này quy định: “Phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, tôn trọng các giá trị đạo đức, quyền và lợi ích của con người và bảo vệ quyền riêng tư...”; đại biểu đề nghị bổ sung từ “Dân tộc”. Cụ thể: “Phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, tôn trọng các giá trị dân tộc, đạo đức, quyền và lợi ích của con người và bảo vệ quyền riêng tư...”

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hoàn thiện các quy định lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội, HĐND
BTO-Chiều nay 22/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (QH&HĐND). Tham gia thảo luận, ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Bố Thị Xuân Linh bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật và nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Nổi bật
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên chuyển đổi số vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn