Ngay khi nghe tin dịch tả heo châu Phi quay trở lại các tỉnh trên toàn quốc, mà gần nhất là ở Đồng Nai, ông Nguyễn Thanh Lâu - thú y viên xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết hết sức lo lắng. Một khi dịch bệnh đến ngay “sát cửa”, nếu người chăn nuôi trong tỉnh chủ quan phòng chống dịch bệnh và để heo bệnh lọt vô địa bàn thì sẽ gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi. Hơn 20 năm trong nghề, với vốn kiến thức thú y được học và tập huấn, cộng thêm kinh nghiệm từ chăn nuôi heo, ông Lâu cẩn thận xem lại lịch tiêm các loại vắc xin cho hơn 20 con heo của gia đình. Dành thêm 30 phút vào buổi sáng và chiều để làm vệ sinh khi ra vào chuồng trại chăn nuôi, nghiêm túc thực hiện vệ sinh sát trùng.
Người chăn nuôi ở Thiện Nghiệp chú trọng vệ sinh chuồng trại.
Thiện Nghiệp là một trong những vùng chăn nuôi heo nổi tiếng của tỉnh. Không chỉ heo thịt mà heo giống của địa phương luôn được thương lái ưu tiên mua nhỉnh hơn một giá. Bởi heo nuôi hầu như bằng phụ phẩm nông nghiệp, rau xanh trong vườn, rẫy và thức ăn thừa nên thịt chắc, thơm ngon. Heo con sạch bệnh, nhanh lớn. Dù ở địa phương nhiều năm nay không phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhưng không vì thế mà những thú y viên như ông Lâu lơ là nhiệm vụ tuyên truyền cho bà con phòng chống dịch. Đặc biệt dịch tả heo châu Phi đến nay chưa có vắc-xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị. Biện pháp quan trọng nhất vẫn là tuân thủ vệ sinh, sát trùng chuồng trại định kỳ. Thế nên đi đến đâu, ông cũng cẩn thận nhắc hộ chăn nuôi thường xuyên rửa sạch, sát trùng thiết bị, dụng cụ máng ăn, máng uống bằng formol 2%, crezyl 3%. Không mượn lồng cân heo của trại khác, không cho xe cân heo vào trại. Ngoài ra, phải theo dõi đàn vật nuôi hằng ngày, khi thấy có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho nhân viên thú y để xử lý kịp thời, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Ngay cả nơi hiện còn rất ít hộ chăn nuôi, mà đa số nhỏ lẻ, theo hộ gia đình như ở xã Phong Nẫm, chính quyền địa phương cũng không hề lơ là công tác tuyên truyền phòng chống dịch tả heo châu Phi. Ông Phan Bình - nhân viên thú y xã cho biết: Tổng đàn heo trên địa bàn xã hiện còn 230 con, chủ yếu là heo thịt. Nếu chẳng may dịch bệnh xảy ra khi heo đã đến kỳ xuất chuồng, thì người chăn nuôi sẽ bị thiệt hại ít nhất 1 triệu đồng/con. Đó là khoản tiền không nhỏ đối với những hộ kinh tế còn khó khăn, nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là thế.
Ông Bình cũng không quên nhấn mạnh với bà con: Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & PTNT), dịch tả heo châu Phi lây nhiễm qua thịt lợn và các sản phẩm từ thịt heo, xe vận chuyển, nguồn nước, trang thiết bị và dụng cụ thức ăn, qua vật chủ trung gian, trang trại khác… và không gây bệnh trên người. Do đó, người dân không nên tẩy chay các sản phẩm thịt heo an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Các nhà hàng và người nội trợ nên nấu chín thịt trước khi ăn.
Cấp phát hơn 900 lít sát trùng phòng chống dịch tả heo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vừa cấp phát 909 lít thuốc sát trùng Iodin cho các địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi. Theo đó, số thuốc sát trùng này được cấp phát cho 10 huyện, thị, thành phố theo nhu cầu đã đề xuất trước đó và 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời của tỉnh gồm: chốt kiểm dịch xã Tân Đức (Hàm Tân) và chốt kiểm dịch xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Phòng nông nghiệp, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận thuốc và xây dựng kế hoạch sử dụng sát trùng có hiệu quả. Hướng dẫn các xã tiêu độc tại các vùng có nguy cơ dịch bệnh cao, tiêu độc sau mỗi đợt tiêm phòng. T.Duyên |
Để đáp ứng công việc tuyên truyền và ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ở các xã, phường hiện đều có một nhân viên thú y phụ trách. Dẫu chế độ lương bổng ít, công việc lại vất vả nhưng đa số các thú y cơ sở đều có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Họ chính là “cánh tay nối dài”, bảo đảm phòng chống dịch bệnh “tận gốc” để ngành chăn nuôi trên địa bàn phát triển bền vững.
T.Anh