Ảnh minh họa |
Chuyện trên làm nhớ lại một chuyện xảy ra cách đây 10 năm. Khi ấy, một người lái máy cày để đứa con nhỏ của mình (10 tuổi), lái chiếc máy cày chạy phăng phăng trên những ruộng khô trước sân UBND xã Sông Phan (mới chia tách từ Tân Nghĩa), trong khi một số người đứng xem liên tục vỗ tay, khen ngợi thằng nhỏ! Báo Bình Thuận sau đó đưa câu chuyện lên mặt báo, cùng với lời phê bình về sự bất cẩn, trao tay lái cho người chưa đủ tuổi! Ấy thế nhưng, vẫn có người chưa nhận ra. Người đưa tin lên báo sau này quay lại Sông Phan thì có người chất vấn: “Sao mà ác vậy? Thằng nhỏ lái xe máy cày có gì ghê gớm đâu!”.
Qua chuyện trên và chuyện mới đây cho thấy: Không phải người lái xe nào cũng ý thức về sự cẩn thận. Có không ít lái xe chủ quan, thường lái ẩu, coi thường tính mạng người khác, đôi khi cậy mình lái xe to (xe tải, container) trong lúc chạy trên đường luôn dành phần hơn, muốn chạy trước, sẵn sàng ép xe nhỏ hơn, lấy đường.
Một lái xe có nhiều kinh nghiệm về lái đường dài, đang dạy lái tại Trung tâm Dạy nghề Quyết Thắng (Bình Thuận), nói về nghề lái xe: “Thật ra, có giấy phép lái xe chưa có nghĩa là anh lái tốt, an toàn. Để thạo nghề cần phải lái trên nhiều địa hình, trên nhiều con đường xe cộ qua lại đông đúc. Thứ đến, nếu có văn hóa, người lái xe sẽ biết điều chỉnh mình, chấp hành nghiêm luật giao thông. Khi vào vòng xoay, dù có vội mấy, lái xe có văn hóa cũng sẽ nhường đường cho xe bên trái thay vì dấn lên, chèn ép. Chạy trên quốc lộ, người ta cũng sẽ không chen ngang, không dành đường khi khoảng cách giữa hai xe là không đủ an toàn…
Vào những ngày này, cả nước đang đối mặt với tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tục xảy ra. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng không mấy người đặt nặng vấn đề: trình độ văn hóa của lái xe ảnh hưởng thế nào đến việc lái xe? Một khi người lái xe học vấn thấp, văn hóa cũng thấp, dĩ nhiên cái cách người đó ngồi sau tay lái sẽ khác với người lái có văn hóa, bởi văn hóa nằm trong phạm trù tư tưởng mà tư tưởng bao giờ cũng chi phối hành động.
H.H