Qua 15 năm triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh đã có bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Nhiều tác phẩm mới ra đời có giá trị tư tưởng và nghệ thuật trên các loại hình như nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, văn học… Các văn nghệ sĩ đã bám sát thực tiễn của địa phương để sáng tác nên nhiều tác phẩm phản ảnh sinh động đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, hướng con người tới chân thiện mỹ, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh Bình Thuận đến trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều tiết mục đạt giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần hình thành nên một đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc công và diễn viên không chuyên hoạt động sôi nổi, phục vụ hiệu quả nhu cầu sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Còn lĩnh vực nhiếp ảnh giành được nhiều giải thưởng khu vực Miền Đông Nam bộ và quốc tế.
Bên cạnh đó, đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước được trẻ hóa, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề, đặc biệt giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Hiện Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có 6 phân hội chuyên ngành và 8 chi hội văn học nghệ thuật huyện, thị xã, thành phố…
Hội nghị đã nghe các sở, ngành và huyện, thị, thành phố tham luận nhiều nội dung liên quan như công tác xây dựng văn học nghệ thuật và phát triển hội viên; duy trì hoạt động văn nghệ quần chúng; phát triển văn học nghệ thuật gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống; việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và huy động nguồn lực xã hội hóa phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật… Đồng thời nêu lên các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao công tác quản lý, phối hợp giữa các cơ quan liên quan và địa phương để chủ động nắm bắt tình hình, định hướng hội viên trong các chi hội, phân hội tham gia sáng tác; xây dựng chương trình nghệ thuật ngày càng đa dạng, hấp dẫn…
Sau khi nghe báo cáo từ các đơn vị, địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đánh giá cao sự nỗ lực của các văn nghệ sĩ và việc tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật trong tỉnh 15 năm qua. Đồng thời khẳng định, văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Trên tinh thần đó, để xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ hoạt động văn học, nghệ thuật. Song song, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và thiết chế văn hóa, nghệ thuật ở cấp huyện, xã, phường, thị trấn. Tiếp tục cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, hiệu quả hoạt động của Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận; nâng cao chất lượng của Giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh. Cũng như tạo điều kiện hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao đến với công chúng. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa góp phần xây dựng và phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng ở tuyến huyện, thị, thành phố và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh….