Theo dõi trên

Về đích BHXH tự nguyện vẫn còn nan giải

29/11/2022, 05:57

BHXH tự nguyện là hình thức bảo hiểm “mở” cho người nghèo, người cận nghèo, người lao động tự do có thu nhập thấp hoặc những người không làm việc tại các cơ quan, đơn vị mà có nhu cầu hưởng lương hưu khi tuổi già. Chính sách bảo hiểm này hướng tới các quyền lợi cho người tham gia, gồm: Chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế và chế độ tử tuất.

z3902579103488_d75037e544079e6de13f7bc9ca16cee4.jpg
Tuyên truyền BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Phan Thiết.

Nhiều năm nay người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Song, việc vận động người tham gia vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đến đầu tháng 11/2022 toàn tỉnh có 10.147 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 38,6% kế hoạch; giảm 1.284 người (giảm 11,2%) so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 4.839 người so với cuối năm 2021. Như vậy, số người cần phải phát triển khoảng 16.124 người để đạt chỉ tiêu giao năm 2022. Đây là một thách thức lớn của ngành BHXH và các địa phương.

Có thể nói, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng còn bấp bênh, thiếu ổn định. Hầu hết các đơn vị phát triển và duy trì tỷ lệ người dân tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp (dưới 50 người/tháng). Việc điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2022 theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều đã ảnh hưởng đến người tham gia BHXH tự nguyện do điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập hạn chế, không ổn định nên không tiếp tục tham gia hoặc không tham gia mới. Mặt khác, chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chưa thật sự hấp dẫn, chế độ, quyền lợi hưởng còn hạn chế nên người dân chưa đầu tư nguồn tài chính dài hạn để tham gia. Bên cạnh đó, do tác động của tình hình dịch bệnh, đời sống kinh tế và thu nhập của người dân ở vùng biển, vùng nông thôn, người lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở địa phương làm ra có giá cả thấp, không tiêu thụ được nên người dân không đủ khả năng để tiếp tục tham gia hoặc tham gia mới BHXH tự nguyện. Trong khi đó, một bộ phận người dân nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT chưa thật sự đầy đủ. Nhất là những người sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống tổ chức dịch vụ thu chưa thật sự ổn định về điểm thu và nhân viên thu; một số điểm thu chưa đáp ứng theo yêu cầu trong công tác vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; nhân viên thu chưa đầu tư thời gian cho việc vận động người tham gia đáo hạn, khai thác mới người tham gia BHXH tự nguyện.

Những tháng còn lại của năm 2022, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhất là người dân sinh sống ở vùng khó khăn, miền núi; người dân thuộc các xã bãi ngang ven biển, người không còn thụ hưởng chính sách BHYT của Nhà nước; tổ chức tư vấn trực tuyến, trực tiếp và hội nghị chuyên đề giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa và lợi ích thực hiện chính sách BHXH tự nguyện.

NHẬT HOÀNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT ‎cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
BTO- Sáng 23/11, cùng với toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Lễ phát động tặng sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Phan Thiết.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về đích BHXH tự nguyện vẫn còn nan giải