Trong hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận đã tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp đã nêu vấn đề những quy định để được vay gói có HTLS 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ đang làm khó nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ SXKD (gọi chung là khách hàng) bởi từ năm 2019 đến nay hầu hết khách hàng, nhất là khách hàng vừa và nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khá nặng nề nên không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, thậm chí còn có khách hàng bị nợ xấu hay phải âm vốn phải bán bớt tài sản để gồng gánh trụ lại. Vì vậy, việc quy định chứng minh có doanh thu và lãi sẽ là rào cản lớn cho khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chung trong giấy phép kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có ngành nghề được vay vốn theo Nghị định 31 nhưng khi vay vốn thì các chi nhánh ngân hàng không thể tách ra, ngại số vốn cho vay khách hàng sẽ sử dụng chung cho các ngành nghề khác nên không duyệt… cho vay.
Mặt khác các nguyên tắc hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 là khách hàng phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trả nợ. Trên thực tế, khi thẩm định khách hàng theo nội bộ từng chi nhánh thì khách hàng có phục hồi nhưng chậm nên rất khó cho doanh nghiệp vay. Ngoài ra một số ngân hàng yêu cầu các HTX, hộ kinh doanh phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh để vay vốn. Tuy nhiên trong một số ngành nghề hoạt động kinh doanh nông sản đa phần là ghi chép sổ sách nên các ngân hàng ngại cho vay vì sợ trách nhiệm khi kiểm toán…
Ông Hồ Anh Kiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết: Nếu các ngân hàng áp dụng khắt khe, đúng và đủ các quy định theo Nghị định 31 thì sẽ không có nhiều khách hàng được tiếp cận nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất theo gói này. Theo ông Kiến, bên cạnh những quy định gây khó cho khách hàng thì thời gian hỗ trợ 2 năm là quá ngắn với khách hàng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chế biến. Bởi trong khoảng thời gian này khách hàng phải hoàn thiện các thủ tục theo quy định để được vay vốn, khi hoàn thiện xong thì chính sách gần hết hiệu lực…
Theo điều tra riêng của phóng viên, hiện trên địa bàn Bình Thuận chỉ có 4 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc Nghị định 31 của Chính phủ, trong đó Agribank là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về dư nợ cho vay và nguồn tiền hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó các ngân hàng mang yếu tố tư nhân không mấy mặn mà thực hiện chính sách này vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Lý giải về việc này, một giám đốc ngân hàng cho hay: Nguyên nhân đầu tiên là đa phần khách hàng không đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định. Nếu ngân hàng bỏ qua 1 hoặc 2 tiêu chí để giúp khách hàng vay được nguồn vốn có HTLS theo Nghị định 31 thì sau này khi có đoàn kiểm tra, kiểm toán ngân hàng sẽ gặp rắc rối. Mặt khác ở Bình Thuận đang xảy ra hiện tượng là các chi nhánh đang hết “room” tín dụng từ tháng 3 đến nay, một số chi nhánh không đủ nguồn để cho khách “ruột” vay thêm vốn nhằm tái đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh…
Các ngân hàng còn e ngại. Đó là nhận định của ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận khi nói về các ngân hàng thương mại cổ phần trong triển khai cho vay vốn có HTLS 2% theo Nghị định 31… Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận đến nay trên địa bàn tỉnh doanh số cho vay có hỗ trợ lãi suất khoảng 100 tỷ đồng. Agribank Bình Thuận đang là đơn vị dẫn đầu trong cho vay hỗ trợ lãi suất. Dự kiến cuối năm 2022 các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ có doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ sẽ trên 200 tỷ đồng…