Theo dõi trên

Vì sao nhiều tàu bị chìm khi qua biển Bình Thuận?

13/03/2023, 08:38

Rạn đá ngầm làm thay đổi dòng chảy, tạo sóng ngầm, sự chủ quan của thuyền trưởng khi qua vùng biển động là nguyên nhân nhiều tàu bị chìm ngoài khơi Bình Thuận.

Vụ chìm tàu gần nhất trên biển Bình Thuận xảy ra hôm 11/3. Tàu Tuấn Tú 09 chở 7 thuyền viên cùng 800 tấn vật liệu xây dựng từ Vũng Tàu khi cách đảo Phú Quý khoảng 28 hải lý đã bị sóng đánh chìm. Năm người trên tàu được thuyền đánh cá cứu, hai thuyền viên mất tích. Trước đó ba ngày, hai sà lanchở đá từ cảng Cà Ná (Ninh Thuận) đi Vũng Tàu khi cách Phú Quý chừng 20 hải lý bị sóng nhấn chìm. Hai trong 7 thuyền viên của hai sà lan hiện chưa được tìm thấy.

Vị trí ba tàu bị sóng đánh chìm ở khu vực biển Bình Thuận gần đây. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Vị trí ba tàu bị sóng đánh chìm ở khu vực biển Bình Thuận gần đây. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Không chỉ ba vụ tàu chìm nói trên mà những năm trước vùng biển Bình Thuận từng xảy ra một số vụ tàu hàng bị sóng đánh lật khi ngang qua. Trong đó, vụ tàu Đức Trí chở 1.700 tấn dầu FO từ TP HCM đi Đà Nẵng bị sóng biển làm lật úp ngoài khơi cách bờ La Gi 9 hải lý hồi tháng 3/2008, làm 14 người chết.

Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận, cho hay vùng biển gần đảo Phú Quý và mũi Kê Gà luôn có dòng xoáy ngầm phía dưới đáy. Nếu không thông thạo hải trình, tàu thuyền chạy qua trúng lúc thời tiết xấu, rất dễ bị "sóng lớn đánh bên trên và dòng chảy ngầm đánh bên dưới" nhấn chìm.

Theo các ngư dân nhiều kinh nghiệm đi biển ở Bình Thuận, khu vực gần đảo Phú Quý khoảng 15 hải lý có rạn đá ngầm "cao như ngọn núi" nằm dưới nước, gọi là rạn Lớn. Bãi rạn kéo dài hàng chục km và tạo dòng chảy ngầm, tác động dòng nước quanh khu vực lân cận đảo Phú Quý. Vào mùa gió đông bắc biển động, ghe thuyền đánh cá thường không dám qua đây.

Ông Nguyễn Thì, thuyền trưởng hơn 30 năm chạy tàu vận tải tuyến Phan Thiết - Phú Quý, lý giải thêm khối đá ngầm khổng lồ nói trên đã cản dòng chảy, tạo sóng ngầm, xoáy nước mạnh, rất nguy hiểm với các tàu đi qua. "Lâu nay, Bình Thuận được xem là vùng biển đen, rất nhiều tai nạn tàu bè xảy ra do ảnh hưởng của rạn đá này", ông Thì nói.

Nhân viên tàu khách SuperDong Phú Quý 1 tìm kiếm, cứu được 3 thuyền viên tàu sà lan LA-05922 trong đêm 8/3. Ảnh: Phú Quý

Nhân viên tàu khách SuperDong Phú Quý 1 tìm kiếm, cứu 3 thuyền viên tàu sà lan chở đá chẻ trong đêm 8/3. Ảnh: Minh Toàn

Theo một cán bộ quản lý ngư trường Bình Thuận, ngoài nguyên nhân sóng to gió lớn đến bất ngờ, không ít vụ tai nạn vùng biển ở khu vực xuất phát từ sự chủ quan của các thuyền trưởng. Có những lúc do nôn nóng, khi gió vừa hạ cấp, thuyền trưởng cho tàu xuất bến ngay mà chưa xem xét kỹ yếu tố an toàn.

Trước tình trạng nhiều tàu gặp nạn, ông Bùi Nguyên Khôi, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, cho hay sắp tới Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) cử một đơn vị điều tra nguyên nhân. Việc này để ngành hàng hải tăng cường cảnh báo, phân luồng phù hợp, tránh nguy hiểm cho các tàu thuyền.

VIỆT QUỐC/VNEXPRESS.NET


(0) Bình luận
Bài liên quan
Triển khai hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi
Biểu dương người cao tuổi (NCT) tiêu biểu làm kinh tế giỏi là hoạt động nhằm khẳng định, ghi nhận vai trò NCT tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, vinh danh NCT làm kinh tế giỏi, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, những bài học quý, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội đối với NCT.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhiều tàu bị chìm khi qua biển Bình Thuận?