Theo dõi trên

Vì sao tình trạng khai thác khoáng sản ở Biển Lạc vẫn “nóng”?

18/07/2023, 05:33

Hồ Biển Lạc (xã Gia An) là điểm nóng nhất về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Tánh Linh. Dù ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm, nhưng đến nay điểm nóng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…

Xử phạt hàng chục trường hợp

Để ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực hồ Biển Lạc, hàng năm Đoàn kiểm tra khoáng sản của huyện, Công an xã Gia An, Công an huyện Tánh Linh đã tăng cường tuần tra, kiểm tra. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm. Trong đó, Công an xã Gia An xử lý 14 vụ/14 đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Bên cạnh, UBND xã Gia An cũng lập hồ sơ xử phạt hành chính 38 trường hợp về hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép với số tiền gần 350 triệu đồng. Công an huyện lập hồ sơ xử lý 4 trường hợp về hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép và lập hồ sơ tham mưu UBND huyện xử phạt 1 trường hợp. Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện lập hồ sơ tham mưu UBND huyện xử lý 6 trường hợp với số tiền phạt trên 220 triệu đồng.

z4508920538625_db358d2ba9cd23a0a6322f5c450ef84d.jpg
Một tàu khai thác cát trái phép ở hồ Biển Lạc đã được ngành chức năng phát hiện và tiến hành gỡ máy bơm.

Ngoài ra, lúc 23 giờ 30 phút ngày 6/6/2023, qua kiểm tra ngành chức năng tiếp tục phát hiện, bắt quả tang một đối tượng điều khiển tàu sắt chở khoáng sản cát vừa cập bãi cát. Tàu sắt này dài 21m, rộng 4m, có gắn giàn bơm hút cát, trên khoang tàu chứa đầy cát với tổng khối lượng đo được 18m3. Chỉ ít ngày sau, khoảng 1 giờ sáng ngày 29/6, ngành chức năng tiếp tục bắt quả tang 2 đối tượng đang thực hiện hành vi bơm hút cát lên một tàu sắt (chiều dài 20m, chiều rộng 4m) được khoảng 9m3 cát. Hiện, cơ quan chức năng đã lập hồ sơ để xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Củng cố hồ sơ để xử lý hình sự

UBND huyện Tánh Linh cho biết, hồ Biển Lạc có diện tích tự nhiên rất rộng, dao động khoảng 1.200 ha. Trong đó, vùng thường xuyên ngập nước khoảng 300 ha, được UBND xã Gia An cho người dân hợp đồng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; vùng bán ngập khoảng 700 - 1.000 ha nằm xung quanh ven hồ Biển Lạc. Trong vùng bán ngập, trước đây có quy hoạch diện tích 230 ha cho việc khai thác đất sét sản xuất gạch ngói, cát xây dựng và quy hoạch khoảng 45 ha dọc theo đường ĐT 720 để duy trì, phát triển làng nghề sản xuất gạch ngói tại đây. Từ những năm 1990 đến nay, khu vực này được cấp phép khai thác sét cho 36 tổ chức, cá nhân, hợp tác xã nhằm phục vụ cho các cơ sở sản xuất gạch ngói tại huyện Tánh Linh, Đức Linh. Diện tích đã được cấp giấy phép từ trước đến nay khoảng 200 ha, cung ứng nguyên liệu sản xuất gạch ngói cho 34 cơ sở sản xuất gạch ở xã Gia An, 14 cơ sở sản xuất gạch ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh. Ngoài ra, còn có 5 giấy phép tận dụng cát xây dựng được cấp cho các tổ chức với diện tích 30 ha. Các tàu, ghe khai thác khoáng sản nằm trên lòng hồ Biển Lạc đa số là các tàu, ghe của các doanh nghiệp được cấp phép nạo vét tận thu khoáng sản cát, sét trên lòng hồ và do doanh nghiệp thuê về để khai thác trong những năm qua trong thời gian khi giấy phép còn hiệu lực. Tuy nhiên, khi giấy phép đã hết hạn, vẫn có một số tàu, ghe hoạt động lén lút.

Xác định tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, Công an huyện, UBND xã Gia An tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép tại khu vực này. UBND huyện Tánh Linh, Đức Linh cũng thống nhất ban hành kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý phương tiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực hồ Biển Lạc và sông La Ngà – nơi giáp ranh giữa 2 huyện. Quá trình thực hiện cho thấy, việc xử lý trục xuất các ghe, tàu ra khỏi khu vực hồ Biển Lạc gặp không ít vướng mắc do phương tiện phải thuê từ ngoài tỉnh, kinh phí lớn. Hơn nữa, để bắt quả tang được các đối tượng vi phạm là điều không dễ dàng do diện tích hồ rộng, hành vi vi phạm chủ yếu diễn ra ban đêm… nên công tác xử lý đến nay chưa thực hiện triệt để.

Trước thực trạng trên, mới đây UBND huyện Tánh Linh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương song song với thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn phải khẩn trương củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng vi phạm. Nếu đủ cơ sở thì xử lý hình sự về tội “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân được giao vì để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời. Được biết, Tánh Linh cũng đã có chủ trương bắt camera quan sát quanh khu vực hồ Biển Lạc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép theo quy định.

LÊ PHÚC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tập trung kiểm tra các điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép
UBND huyện Bắc Bình vừa xây dựng kế hoạch quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện năm 2023.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao tình trạng khai thác khoáng sản ở Biển Lạc vẫn “nóng”?