Theo dõi trên

Vì sao xử lý nợ bảo hiểm xã hội vẫn khó?

09/07/2019, 08:49

 Nợ khó thu gia tăng

BT- Một thực trạng đáng lo ngại là nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp có xu hướng gia tăng trong những tháng đầu năm và số nợ kéo dài, khó thu chiếm tỷ lệ khá cao. Đầu tháng 5/2019, các đơn vị nợ 109.279 triệu đồng, nhưng sang đầu tháng 6/2019, số nợ BHXH, BHYT tăng lên 118.334 triệu đồng, chiếm 5,09% số thu; riêng số nợ phải tính lãi chiếm 1,86%. Trong đó, ngân sách nhà nước nợ 24.309 triệu đồng, chiếm 22,5% tổng số nợ; các đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp nợ 4.526 triệu đồng, chiếm 4,1% tổng số nợ; khối doanh nghiệp nợ hơn  89.498 triệu đồng, chiếm 73,4% tổng số nợ.

Nhiều lao động khám bệnh không có BHYT do doanh nghiệp nợ bảo hiểm.

Nguyên nhân chính của tình trạng nợ đọng, chậm đóng là từ ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động chưa tốt, nhất là khu vực ngoài Nhà nước. Thực tế có nhiều trường hợp người sử dụng lao động rất hiểu pháp luật, trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, nhưng vẫn cố tình không đóng hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận cao hơn; lạm dụng tiền đóng BHXH để quay vòng vốn. Mặt khác, nhận thức của người lao động về chính sách BHXH cũng chưa đầy đủ nên có trường hợp đồng ý với chủ sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng hoặc người lao động biết nhưng không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác như: Doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên chậm đóng bảo hiểm cho người lao động.

Điều đáng lo ngại hơn, hiện nay toàn tỉnh có 93 đơn vị, doanh nghiệp (so với năm 2018 tăng 10 đơn vị) nợ hơn 7,567 tỷ đồng thuộc diện doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ doanh nghiệp bỏ trốn không có nguồn tài chính chi trả nợ, trong đó có 10 doanh nghiệp “mất tích”… nên quyền lợi hợp pháp của người lao động bị xâm hại nghiêm trọng. Đó là người lao động khi ốm đau không được thăm, khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; nghỉ thai sản không được thanh toán chế độ; nghỉ việc không được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; khi chuyển sang đơn vị công tác mới không được chốt sổ BHXH, vì nguyên tắc tham gia BHXH là “có đóng có hưởng, đóng đến đâu hưởng đến đó”.

 Xử lý nợ vẫn khó!

Thực tế nợ BHXH, BHYT ngày càng gia tăng, ngoài việc vận động, tính lãi chậm đóng, thanh tra kiểm tra, xử phạt đơn vị nợ kéo dài đã bị xử lý… các biện pháp mạnh khác còn gặp nhiều vướng mắc do thiếu văn bản hướng dẫn. Trong đó, việc khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa án của tổ chức công đoàn gặp trở ngại do các quy định về quy trình, thủ tục khởi kiện giữa các văn bản pháp luật chưa thống nhất. Để kiện một doanh nghiệp nợ tiền BHXH phải có giấy ủy quyền của người lao động hoặc ủy quyền của tổ chức công đoàn cơ sở; phải qua thủ tục hòa giải… Nhưng nếu tổ chức công đoàn phải đi lấy hết ý kiến ủy quyền hàng trăm, hàng nghìn lao động là không khả thi và cũng ít tổ chức công đoàn nào đứng ra khởi kiện chủ sử dụng lao động của chính họ. Về phía người lao động cũng không ai dám ủy quyền để kiện doanh nghiệp. Vì thế, trong 2 năm (2016, 2017) BHXH tỉnh đã lập hồ sơ và chuyển sang Liên đoàn lao động tỉnh 46 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT với số tiền 17 tỷ đồng để khởi kiện ra tòa án, nhưng không thực hiện được. Năm 2018, BHXH tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ 5 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT kéo dài từ 12 - 60 tháng với tổng số tiền nợ gần 9 tỷ đồng sang cơ qua công an để chế tài, xử lý vi phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT theo điều 216 Bộ luật Hình sự. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Phan Thiết đã thụ lý, nhưng vẫn không xử lý hình sự được, vì chưa đủ căn cứ để đưa vào hệ thống tin báo, tố giác tội phạm trốn đóng BHXH, BHYT mà chỉ là hành vi chậm đóng bảo hiểm, doanh nghiệp cam kết trả nợ. Việc xử lý hình sự các đơn vị nợ theo điều 216 Bộ luật Hình sự vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Tháng 4/2019 cơ quan BHXH  tỉnh tiếp tục chuyển 8 hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 8 - 54 tháng, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm lao động sang cơ quan công an để xác minh làm rõ hành vi nợ kéo dài và xử phạt vi phạm hành chính. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao xử lý nợ bảo hiểm xã hội vẫn khó?