Biển “sống” thì người sống
Việc nhận chìm 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển không chỉ có người nuôi tôm “sợ” mà ngư dân vùng biển các xã từ Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo đến Phước Thể cũng hết sức bất bình. Với khá nhiều hộ nuôi cá lồng trên biển, thông tin đổ chất nạo vét đã làm họ như ngồi trên đống lửa. Ông Nguyễn Vấn một chủ trại nuôi cá lồng ở Vĩnh Tân cho biết: “Cá nuôi lồng bè rất khó. Nếu dòng nước biển bất thường sẽ làm cá chết hàng loạt mà không kịp trở tay”. Theo ông Vấn, mấy tháng đầu năm nay, ông và nhiều hộ nuôi khác điêu đứng khi hơn 3.800 con cá bóp mới thả nuôi 1 tháng, có trọng lượng từ 0,8- 1,1 kg/con chết chưa rõ nguyên nhân.
Là lão ngư gắn bó với biển, ông Trần Văn Tám ở Vĩnh Tân nói: “Biển “sống” thì người sống. Biển là vô giá”. Theo lão ngư này, từ bao năm nay, vùng biển Vĩnh Tân có khá nhiều các loài sinh vật đáy như nghêu, sò, ốc…là nguồn sống của hàng trăm ngư dân. Nếu đưa máy móc vào nạo vét sẽ trực tiếp làm xáo trộn nơi cư trú, tiêu diệt hải sản, coi như “triệt” nguồn sống của dân. “Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân làm dân chúng tôi khổ sở vì khói bụi, tro xỉ lắm rồi. Giờ, cứ nạo vét đáy biển, đổ chất nạo vét xuống biển...thì khác nào “chặt” đường sinh sống của chúng tôi” - ông Tâm bức xúc.
Điều đáng buồn cho những người yêu du lịch bởi vị trí dự kiến đổ chất thải khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam) và Dự án "bảo vệ Rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau". Ai cũng lo lắng Hòn Cau - đảo nhỏ xinh xắn này chứa đựng rất nhiều truyền thuyết, những câu chuyện hết sức ly kỳ về thần Nam Hải, Rắn thần, thánh mẫu Thiên Y Ana, vua chúa thời khẩn hoang mở cõi và được ca ngợi là “thiên đường vắng bóng người”, “viên ngọc thô giữa đại dương xanh thẳm”, “vương quốc đá”, “đảo thiên đường”…đứng trước nguy cơ bị hủy diệt nếu việc đổ chất nạo vét được thực hiện.Không chỉ có Vĩnh Tân 1, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng đang làm hồ sơ xin cấp phép nhận chìm vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy vớikhối lượng vật liệu nạo vét có thể lên tới 2 triệu mét khối, vị trí nằm trong vùng diện tích 300 ha.
“Hãy bảo vệ biển”
Trước thông tin các công ty nhiệt điện Vĩnh Tân xin “nhấn chìm” chất nạo vét xuống vùng biển Vĩnh Tân, tâm trạng chung của người dân Tuy Phong là “hãy bảo vệ biển”. Ai cũng hình dung được trong quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, đổ chất thải…sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản, làm cho môi trường trầm tích bị xáo trộn, gây hại cho động vật đáy và khu vực đánh bắt cá, đồng thời hoạt động nạo vét cũng làm đảo nước, tăng độ đục dầu mỡ,… ảnh hưởng xấu đến nơi cư trú của các loài động vật nước dẫn tới sự di trú của các loài tôm cá trong khu vực.
Được biết, việc “nhấn chìm” chất nạo vét khủng xuống biển làm người dân vùng biển Phước Thể rất hoang mang, lo lắng. Đảng ủy xã đã có văn bản báo cáo Huyện ủy Tuy Phong và kiến nghị ngành chức năng có thông tin chính thống để địa phươngtuyên truyền, giải thích định hướng dư luận để cán bộ và nhân dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội.
V.Tiến