Theo nội dung báo cáo tác động môi trường của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã được phê duyệt, vị trí bãi đổ vật liệu nạo vét cách Hòn Cau khoảng 8 km, luồng tàu vào cảng cách Hòn Cau 4 km và việc đổ vật liệu nạo vét xuống biển sẽ có những tác động nhất định đến hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, hoạt động sản xuất tôm giống, nuôi trồng thủy sản của địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy. Đặc biệt việc nhấn chìm 1,5 triệu m3 vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân 1 sẽ gây tác động lớn đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Cũng theo báo cáo này, tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có 3 dự án phải đổ khối lượng nạo vét tại 2 vị trí ngoài biển (Hạng mục Bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ tại 1 vị trí; dự án Cảng nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 đổ chất thải nạo vét trong giai đoạn xây dựng và duy tu hàng năm, riêng dự án Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân chỉ đổ chất thải nạo vét duy tu hàng năm cùng đổ tại 1 vị trí). Ngoài 1,5 triệu m3 của Vĩnh Tân 1, khối lượng nạo vét duy tu hàng năm là 268.615 m3/năm và tất cả đều được đổ ra biển. Theo báo cáo của công ty, khối lượng nạo vét không phải khối lượng bùn thải, thành phần chủ yếu gồm cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, đá phong hóa, sét bùn và trầm tích. Công ty đã thuê tư vấn xét nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng các kim loại nặng trong trầm tích biển tại khu vực nạo vét đều nhỏ hơn giới hạn cho phép nhiều lần theo TCVN, đặc biệt không phát hiện thấy Dioxin, PCB.
Tuy nhiên, với khối lượng nạo vét lớn, việc đổ tại biển sẽ gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường, kinh tế, xã hội tại khu vực, nhất là ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển Hòn Cau. Do đó, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đánh giá lại tác động, ảnh hưởng tổng thể của việc nạo vét và đổ khối lượng nạo vét của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, trong đó có dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, xem xét, đánh giá và phê duyệt lại toàn bộ 9 báo cáo đánh giá tác động môi trường của cảng tổng hợp Vĩnh Tân và các nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Trong đó, có mời các nhà khoa học và các đơn vị tư vấn độc lập tham gia phản biện theo hướng tận dụng tối đa khối lượng nạo vét để san lấp mặt bằng các cơ sở này để giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường của toàn khu vực.Nếu gây tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái biển, đặc biệt là Khu bảo tồn biển Hòn Cau, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội khu vực và đời sống, sản xuất của nhân dân thì đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có phương án khác phù hợp, bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa của khu vực này trong quá trình xây dựng, vận hành, khai thác Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nói chung và nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nói riêng.
M.V