Theo dõi trên

Việt kiều “3 không”

21/12/2023, 05:16

Nhiều Việt kiều Campuchia ở thôn Suối Giêng, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân đang mong ngành chức năng quan tâm để không còn phải sống cảnh “3 không” - không quốc tịch, không hộ khẩu, không CCCD.

Phận đời “3 không”

Nước mắt giàn giụa, đôi mắt thâm sâu trên khuôn mặt khắc khổ đầy vẻ âu lo của Huỳnh Thị Xuân, khiến tôi - người ngồi đối diện không khỏi động lòng thương. Bởi, đó là sự đau khổ tột cùng của người không có một cái gì để làm điểm tựa cho mục đích sống. Xuân kể, em sinh năm 1992 là thế hệ con, cháu của những người Việt rời bỏ quê hương đến Campuchia làm ăn trong những năm đất nước còn chiến tranh.

20231123_141035.jpg
Xuân đau khổ vì chẳng có giấy tờ làm điểm tựa cho mục đích sống.

Năm 2010, em theo chồng về xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nơi giáp ranh Campuchia sống, rồi không lâu sau cả gia đình chồng chuyển đến thôn Suối Giêng. Kể từ đó đến nay, em là người “3 không” - không quốc tịch, không hộ khẩu, không CCCD. “Lúc em còn ở Campuchia, gia đình em cũng như bà con dòng họ không ai có quốc tịch, giấy tờ tùy thân. Sau này mọi người được Campuchia cấp quốc tịch còn em thì không vì em đã theo chồng về Việt Nam”, Xuân lau nước mắt nói. Xuân tiếp tục kể về nỗi khổ của người “3 không”, khi chẳng dám đi đâu, làm gì. Nhiều khi nhớ cha, nhớ mẹ muốn về Campuchia thăm, nhưng không về được chỉ gọi điện thoại cho đỡ nhớ.

“Năm 2021 mọi người đi làm CCCD, em cũng đi làm với hy vọng có được cấp như bao người, nhưng rồi lại thất vọng trở về vì không có giấy tờ tùy thân. Em cảm thấy đời mình trống rỗng, mất phương hướng vì không biết phải làm sao để trở thành công dân hợp pháp như bao người”, Xuân chia sẻ.

Tương tự hoàn cảnh của Xuân là 7 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Lẹ, ngụ cùng thôn. Trước kia, gia đình bà Lẹ sống bằng nghề đánh bắt cá trên ghe ở một vùng nước trên sông Mê Kông thuộc Campuchia. Cách đây hơn 10 năm thì họ chuyển về Suối Giêng. Bà Lẹ chia sẻ: “Các con bà đã lấy vợ, lấy chồng nhưng đứa nào cũng sống không hôn thú. Đi làm ăn xa thuê nhà trọ không ai cho thuê; vay ngân hàng mua xe máy, phát triển kinh tế gia đình cũng không ai cho vay”. Ước mong lớn nhất của bà cũng như Xuân là có được quốc tịch Việt Nam để được nhập khẩu sống hợp pháp như bao người Việt khác.

20231123_142544.jpg
Xuân cũng như bà Lẹ và nhiều hộ khác mong ngành chức năng quan tâm để trở thành công dân hợp pháp.

Tìm lối gỡ khó khăn cho những phận đời

Ngoài Xuân, gia đình bà Lẹ còn nhiều Việt kiều Campuchia khác đã định cư ở Bình Thuận trong nhiều năm qua. Vì nhiều lý do mà họ chưa thể nhập quốc tịch và làm các giấy tờ tùy thân cần thiết khác... khiến cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn như trị bệnh, đi học, tìm việc làm, xác lập quyền sở hữu... làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quản lý dân cư địa phương.

Ông Hoàng Đức Tá – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết, trên địa bàn xã có gần 10 trường hợp từ Campuchia về định cư chưa nhập khẩu cũng như làm CCCD vì chưa xác định được quốc tịch. Chúng tôi đã lập danh sách báo về huyện để có hướng xử lý.

Sở Tư pháp cho biết, trên địa bàn tỉnh còn nhiều trường hợp người dân Campuchia di cư lập gia đình sinh sống rải rác ở các xã vùng sâu, vùng xa. Các đối tượng này không còn giữ bất kỳ giấy tờ tùy thân nào liên quan đến bản thân, trình độ thấp, không biết chữ chủ yếu sống bằng nghề nông. Chính vì vậy, gây ảnh hưởng đến việc quản lý về con người tại địa phương và gây khó khăn cho chính bản thân họ trong việc hòa nhập. Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, thống kê gửi về cho sở để có hướng giúp địa phương tháo gỡ.

Qua phản ánh, mong các địa phương và huyện Hàm Tân quan tâm đến các trường hợp này để họ ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế gia đình, vì phần lớn họ định cư ở đây đã khá lâu.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Việt kiều có hộ chiếu và hộ khẩu ở Việt Nam có được mang xe hơi về nước để định cư?
BTO- Kính gửi anh, chị! Tôi định cư ở Pháp đã được 10 năm. Hộ chiếu Việt Nam của tôi vẫn còn giá trị đến năm 2018 và tôi vẫn còn tên trong sổ hộ khẩu của mẹ tôi. Năm 2017 tôi sẽ về Việt Nam sống luôn với mẹ tôi, vậy cho tôi hỏi tôi có được quyền mang 1 chiếc xe về Việt Nam để sử dụng không? Vì theo như tôi được biết phải đăng ký thường trú nhưng trong hộ khẩu em vẫn còn tên tôi vậy tôi có thuộc diện được đem xe về Việt Nam miễn thuế nhập khẩu không?
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt kiều “3 không”