Theo dõi trên

Viết tiếp loạt bài về Nguyễn Thông: Kỳ 3: Mấy khám phá về Nguyễn Quý Anh - con trai út cụ Nguyễn Thông

15/04/2016, 08:27

Kỳ 2: Liên Thành thơ xã và Dục Thanh học hiệu

BT - Tháng 9 năm Tân Tỵ 1881, khi quan Phó sứ điền nông kiêm Đốc học Bình Thuận  Nguyễn Thông đang ở Phan Thiết để hướng dẫn thợ xây cất đền Ngụ Hiền tại làng Long Khê, thuộc tổng Đức Thắng thì nhận được tin người vợ hiền của mình, bà Ngô Thị A Thúy vừa sinh cậu con trai.

         
   

         

         Nhà mồ ông Nguyễn Quý    Anh.

Theo con đường Duy Tân

Ông tức tốc trở về nhà ở Trại Núi (nay là xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) để thăm con. Thương vợ những ngày tần tảo nuôi con khi mình bôn ba khắp nơi lo việc dân việc nước, Nguyễn Thông đã chiều lòng vợ đặt tên cho con trai là Nguyễn Quý Anh theo ý vợ.

Thừa hưởng gen của cha, cậu Ấm Bảy (tên thường gọi của Nguyễn Quý Anh) ngay từ nhỏ đã thể hiện tố chất thông minh. Thấy con ham học, ông Nguyễn Thông đã gởi con ra Quảng Nam học với thầy Trần Quý Cáp. Trong khoảng thời gian ở Quảng Nam và Bình Định, cậu Ấm Bảy  có dịp tiếp xúc với các nhà cách mạng Duy Tân như Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Chính các nhà cách mạng này đã truyền tinh thần yêu nước và tư tưởng cải cách Duy Tân cho cậu. Do vậy, Ấm Bảy mặc dù học hành rất giỏi nhưng quyết định không theo nghề khoa cử ra làm quan như cha, mà nghe theo lời các vị sĩ phu trở về Phan Thiết vào cuối năm 1904 để nghiên cứu xây dựng trung tâm chấn hưng kinh tế, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài tại vùng đất này.

    
      "Ở Phan Thiết nên chăng có  con đường Nguyễn Quý Anh?"

Khi ông Phan Chu Trinh cùng với các sĩ phu đến Phan Thiết để bàn bạc xây dựng cơ sở thì chính Nguyễn Quý Anh cùng anh trai mình là Nguyễn Trọng Lội (còn gọi là ông Ấm Năm) đứng ra vận động các các nhà nho học, tây học uy tín nhất Bình Thuận khi đó để lập ra Liên Thành thương quán, Liên Thành thơ xã và Dục Thanh học hiệu vào giữa năm 1905.

Năm 1907, những nhà sáng lập Dục Thanh học hiệu cử ông Nguyễn Quý Anh làm giám hiệu (hiệu trưởng) trực tiếp điều hành Trường Dục Thanh đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ chánh Hán, tức phụ trách ban Hán văn của trường. Khi đó Nguyễn Quý Anh chỉ mới 26 tuổi.

Khi Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) được ông nghè Trương Gia Mô giới thiệu vào làm thầy giáo tại Trường Dục Thanh, chính Nguyễn Quý Anh là người trực tiếp giúp đỡ thầy Thành và có những tình cảm đặc biệt quý mến người thầy giáo này.

Đầu năm 1911, do nhu cầu phát triển của Liên Thành thương quán nên ông Nguyễn Quý Anh được cử vào Chợ Lớn để quản lý, điều hành Phân cuộc Liên Thành đặt tại đường Quai Testard (nay là Châu Văn Liêm). Sau đó vài tháng thì một số vị sáng lập của Liên Thành đưa thầy Nguyễn Tất Thành vào đây sống cùng với ông Nguyễn Quý Anh một thời gian ngắn trước khi xuống tàu sang Pháp.

Ông Nguyễn Quý Anh kết hôn với bà Lý Thu Liên, con gái ông bá hộ Xường, một triệu phú Hoa kiều ở Chợ Lớn và sinh được 7 người con gồm 4 trai, 3 gái. Trong số những người con trai của ông Anh có ông Nguyễn Minh Duệ là cử nhân Luật, tham gia hoạt động của Hội Liên Thành ở Phan Thiết rồi tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ năm 1945, làm nhiệm vụ mua vũ khí từ Thái Lan chuyển về nước. Ông Duệ bị Pháp phục kích bắn chết tại vùng núi Chok Siem, Tà Keo (Campuchia) và được công nhận là liệt sĩ.

Năm 1917, để tránh chế độ cai trị hà khắc của Nam triều, Công ty Liên Thành dời trụ sở vào Chợ Lớn, ông Nguyễn Quý Anh được đại hội cổ đông của công ty bầu làm Đổng lý Hội đồng quản trị sau đó kiêm chức Tổng lý của Công ty Liên Thành đến năm 1920.

Từng làm giám hiệu nên ông Nguyễn Quý Anh hết sức chú trọng đến chuyện học hành của con cái. Giai đoạn từ 1922 - 1935, ông Anh tạm thời dừng các công việc kinh doanh đang rất tốt ở Liên Thành, bàn giao công việc cho người khác rồi đưa các con qua Pháp học hành. Năm 1936, ông Anh về nước, được bầu lại làm Hội trưởng Hội đồng quản trị Công ty Liên Thành và mất 2 năm sau đó (1938) do bệnh tật tại Sài Gòn, khi đó ông 58 tuổi.

Bất ngờ ngôi mộ cổ

Khi chúng tôi vào TP. HCM để tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến những người sáng lập Hội Liên Thành, thì ngoài trụ sở Công ty Liên Thành tại số 243, Bến Vân Đồn, quận 4 hiện vẫn đang hoạt động, có người còn mách nước cho chúng tôi căn biệt thự là nhà riêng của ông Nguyễn Quý Anh ở đường Nguyễn Trãi gần chợ Thái Bình (quận 1). Tuy nhiên, khi tìm thấy ngôi biệt thự này, thì được biết gia đình ông Nguyễn Quý Anh đã bán cho người khác cách đây hơn 10 năm. Và nghe nói con cháu ông Anh hiện không còn ai ở Việt Nam.

Không nản chí, bằng nhiều nguồn thông tin, chúng tôi may mắn biết được ông Michel Hồ Tá Khanh, là cháu ngoại của ông Nguyễn Quý Anh, hiện đang sống tại quận Tân Phú. Đặc biệt, ông Michel Hồ Tá Khanh cũng là cháu nội của ông Hồ Tá Bang, một trong 6 người thành lập ra 3 tổ chức của Liên Thành.  Ông Michel là người Pháp gốc Việt và là chuyên gia hàng đầu của Hội Đập thủy lợi lớn thế giới. Khi nghỉ hưu ông này từ Pháp về Việt Nam giảng dạy tại Đại học Bách khoa TP. HCM và đã giúp Bình Thuận xây dựng một số công trình thủy lợi bằng công nghệ hiện đại (xem bài viết về gia đình ông Hồ Tá Bang ở những số sau).

Cuộc gặp gỡ với ông Michel đã giúp chúng tôi có thêm rất nhiều tư liệu quý giá về những người sáng lập Hội Liên Thành. Khi sắp kết thúc buổi gặp gỡ, bất ngờ ông Michel hỏi chúng tôi có muốn tham quan ngôi mộ của ông ngoại ông là Di tích lịch sử cấp thành phố nằm cách đó chỉ khoảng 1km không. Tất nhiên chúng tôi đi ngay và ngỡ ngàng chứng kiến nhiều điều thú vị...

Di tích lịch sử cấp thành phố

Khu mộ của ông Nguyễn Quý Anh và vợ là bà Lý Thu Liên tọa lạc trên khu đất rộng lớn 2 mặt tiền giáp đường Thoại Ngọc Hầu (Hương lộ 2 cũ) và đường Nguyễn Sơn thuộc phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Cách trụ sở UBND quận Tân Phú khoảng 500m.

         
   

      

         Mộ ông Nguyễn Quý Anh - di tích  lịch sử Tp.Hồ Chí Minh

Khu mộ gồm có nhà mồ mang kiến trúc phương Tây kết hợp phong cách Phật giáo. Nhà mồ xây hình bát giác cao khoảng 9m, dài 8m, rộng 8m, trên tường đính nhiều hoa văn trang trí, đỉnh nhà mồ gắn hoa sen, 8 bờ mái góc với đầu đao mang dáng dấp đuôi rồng, ngoài cửa vào chính còn có 2 cửa phụ và 8 cửa sổ bao quanh ngôi mộ. Chất liệu xây nhà mồ là xi măng, đá rửa, sắt. Cửa đi vào hình vòm diềm mái cong, mái lợp ngói vẩy cá.

Trong nhà mồ nổi bật là hai ngôi mộ đặt song song, đó là mộ ông Nguyễn Quý Anh và mộ bà Lý Thu Liên. Mộ bằng đá cẩm thạch được mài bóng láng các mặt, được đặt làm chở từ Pháp về. Mỗi mộ dài 2,5m, ngang 1m, cao 1m. Trên nắp mỗi ngôi mộ có khắc hoa văn hình tròn, thành mộ ốp đá cẩm thạch, có chạm khắc ốp viền xung quanh như những chiếc đai ôm cứng cho phần mộ trong hết sức độc đáo.

    
  

  "Nước   sông Kỳ Xuyên trổ nhà đại tộc. Hán học ngày xưa một nhà un đúc. Âu hóa   ngày nay tìm nguồn đến gốc. Một nhánh Linh Xuân đầy sân Lan Ngọc. Không   mất hãy còn ngàn thu nên phúc."

    Bài thơ ca   tụng công đức của Nguyễn Quý Anh khắc trên bia đá tại mộ phần ông.  

Đặc biệt trong khu mộ là tấm bia đá cẩm thạch cao 1,8m khắc chữ quốc ngữ do ông Hồ Tá Bang, người đồng nghiệp (cũng là sui gia) đứng tên ghi lại thân thế và công đức của ông Nguyễn Quý Anh cùng với bài thơ: “Nước sông Kỳ Xuyên trổ nhà đại tộc. Hán học ngày xưa một nhà un đúc. Âu hóa ngày nay tìm nguồn đến gốc. Một nhánh Linh Xuân đầy sân Lan Ngọc. Không mất hãy còn ngàn thu nên phúc”.

Ngày 17/2/2011, Chủ tịch UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 697/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố đối với di tích lịch sử mộ ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên, tại số 122 đường Thoại Ngọc Hầu, thuộc KP1, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. HCM.

Ghi nhận công lao

Trong tài liệu lịch sử Đảng bộ TP. HCM, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thành ủy TP. HCM đã ghi: “Ngôi mộ cổ của ông Nguyễn Quý Anh ở Tân Bình không chỉ là di tích của riêng con cháu ông Nguyễn Quý Anh mà còn là di tích lịch sử có liên quan đến các tổ chức cách mạng và liên quan đến Bác Hồ”; “Năm 1985, đồng chí Nguyễn Văn Linh và các đồng chí: Trần Văn Trà, Tô Ký, Phạm Văn Chiêu… có cả Ban nghiên cứu lịch sử Đảng đã đến viếng mộ”.

Hiện nay tại TP. HCM, UBND thành phố đã đặt tên Nguyễn Quý Anh làm tên một con đường tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú và tại thành phố Huế từ lâu cũng đã có một con đường mang tên Nguyễn Quý Anh.

Lê Huân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viết tiếp loạt bài về Nguyễn Thông: Kỳ 3: Mấy khám phá về Nguyễn Quý Anh - con trai út cụ Nguyễn Thông