Nhiều người già và phụ nữ ở vùng quê này suốt mấy tháng nay cứ bần thần, đứng ngồi không yên vì đường dây chơi huê do bà Đẩu làm chủ hụi bị vỡ. Nhiều gia đình đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng và có cả những hoàn cảnh hết sức khó khăn cũng trắng tay vì nghe theo chủ hụi. Bà Phạm Thị Hoa (SN 1963) ở xóm 5A, thôn Phú Hòa cho biết, thấy Đẩu là con cháu trong nhà nên tôi và 2 con tin tưởng chơi huê nhiều năm nay. Gia đình tôi chơi 6 phần huê với tổng số tiền 133 triệu đồng. Sau khi vỡ hụi, Đẩu hứa sẽ trả góp từng tháng nhưng cứ lánh mặt, không chịu trả. Tương tự, bà Phan Thị Bích Thủy (SN 1950) ở thôn Phú Hòa cũng dính 80 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hoa Mai ở thôn Phú Tân gần 50 triệu đồng, Trương Thị Kim Thạnh ở thôn Phú Hải 45 triệu đồng, Nguyễn Thị Yến ở thôn Phú Hòa gần 22 triệu đồng và rất nhiều người khác từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Trong đó có nhiều trường hợp gia cảnh khó khăn, gom góp vài triệu đồng gửi bà Đẩu cũng không biết khi nào mới đòi lại được.
Theo thông tin từ người dân, tháng 7/2017, bà Đẩu mất khả năng chi trả nên tự tử tại nhà và được cấp cứu kịp thời. Sau thời gian đó, nhiều người mới biết bà bị vỡ hụi và đến đòi. Người nào bà Đẩu cũng hứa sẽ trả góp vài triệu đồng/tháng, nhưng góp được 1- 2 tháng thì bà im lặng cho đến nay. Quá bức xúc trước thái độ dửng dưng của bà Đẩu, tháng 4 vừa qua, đã có 7 người gửi đơn đến Tòa án huyện Tuy Phong yêu cầu bà Đẩu trả tiền với tổng số tiền 450 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi ra tòa, bà Đẩu cũng chỉ hứa sẽ trả dần và tòa đã có quyết định 2 bên tự thỏa thuận, vì bà Đẩu không còn tài sản và mất khả năng chi trả. Những người làm đơn không đồng ý với quyết định của tòa, vì cho rằng bà Đẩu có dấu hiệu lừa đảo, tẩu tán tài sản trong thời gian vỡ nợ.
Theo người dân xã Hòa Phú, tháng 7/2017 vài người biết bà Đẩu vỡ hụi, thì đến tháng 8/2017, bà này “tặng” căn nhà đang ở (số 22 ở xóm 3) cho mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Thơm, xe SH cũng giao cho chú của chồng đi lại. Ngoài việc làm văn thư tại Trường tiểu học Hòa Phú 2, thì vợ chồng bà Đẩu không kinh doanh hay làm ăn gì. Theo người dân, ngoài những người làm đơn, còn rất nhiều người khác cũng dính vào đường dây “huê hụi” của bà Đẩu ước khoảng vài tỷ đồng.
Được biết, những năm gần đây ở xã Hòa Phú xảy ra nhiều vụ vỡ hụi lớn với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Trước sự việc trên, người dân cần tỉnh táo, không nên tham gia chơi hụi lãi suất cao để tránh mất tiền vô cớ.
Hành vi tẩu tán tài sản là việc xác lập các giao dịch giả tạo, nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Nếu chứng minh được là hành vi tẩu tán tài sản thì hành vi đó sẽ bị vô hiệu theo quy định của pháp luật. Việc xử lý trách nhiệm hình sự trong những vụ việc vỡ huê hụi là rất khó bởi để khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175, Bộ luật Hình sự (BLHS), trong đó dấu hiệu bắt buộc phải là “bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền”. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội phạm này đối với chủ hụi thường không rõ. Trong khi đó, khi vỡ hụi, chủ hụi hứa hẹn sẽ hoàn trả và không thể hiện ý định bỏ trốn. Vì thế, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự, mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự. Bên cạnh đó, để khởi tố điều tra chủ hụi về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, BLHS thì phải chứng minh được chủ hụi có dấu hiệu lừa dối ngay từ đầu để chiếm đoạt tài sản của hụi viên. Nhưng trong thực tế, ít có cơ sở xác định ngay từ đầu chủ hụi đã có dấu hiệu gian dối. Vì những lý do đó, hầu hết các vụ vỡ hụi, hụi viên chỉ có thể khởi kiện án dân sự. Việc chơi hụi phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây hụi. Đây là những chứng cứ hết sức quan trọng, là cơ sở để tòa án xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể hụi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. (Luật sư Đỗ Minh Trúc - Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Thiết - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) |
M.Vân