Phiên tòa xét xử vụ vi phạm tại Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết. Ảnh: N.Luân |
2. Đối với 4 bị cáo nguyên là Giám đốc, Phó giám đốc của Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết đều phải chịu án tù treo với khoảng thời gian khác nhau, với cùng 1 tội danh: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cái thiếu trách nhiệm ấy thể hiện qua chữ ký trên 47 bộ chứng từ mà những giám đốc, phó giám đốc trên phê duyệt. Những vị lãnh đạo ấy đều là bác sĩ, chuyên thực hiện nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, còn kiến thức về tài chính, kế toán thì không thể rành rẽ hết được. Song việc quá tin tưởng cấp dưới có chuyên môn tài chính, kế toán đến mức để xảy ra sai phạm thì không thể nói họ vô can được. Xuyên suốt hồ sơ vụ án, cũng dễ hiểu, vì trên các bộ chứng từ ấy đều có chữ ký của kế toán trưởng, người trực tiếp quản lý, theo dõi, kiểm tra tính chính xác của các bảng kê đã có ở đó. Thêm nữa, những bảng kê ấy lại cho các hoạt động thường xuyên là chi lương, tiền ngoài giờ… chứ không phải từ hoạt động “năm thì mười họa” như đấu thầu hay mua máy móc để nhủ lòng phải thận trọng kiểm tra kỹ. Thế nhưng, thực tế thật phũ phàng, khi qua những “giặm vá” con số của Hiển ở cột tổng… số tiền dôi dư mà ngân hàng chuyển vào tài khoản của Hiển có tháng lên đến 100 triệu đồng. Và con số ấy cũng hiện rất rõ trong bảng kê, chênh lệch xa đến mấy con số so với 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng của bao người kề bên mà không ai phát hiện ra. Có lẽ vì Trung tâm Y tế Phan Thiết có đến 200 cán bộ, công nhân viên, quá đông nên có nhiều bảng kê khiến không ai chú ý chăng. Vì ngay cả chuyện đau ốm hay thai sản trong đơn vị, Hiển cũng kê khống vài người đau ốm, sinh đẻ vài lần trong năm mà các vị lãnh đạo cũng không hay biết… Có quá nhiều tình tiết cho thấy các lãnh đạo này đã thiếu trách nhiệm trong vụ việc này. Nhưng cũng từ đó, suy luận của một số người là: Phải có cấp trên của bệnh viện bật đèn xanh thì cấp dưới mới dám làm trong thời gian dài như vậy là không đúng. Vì có lãnh đạo nào lại dung dưỡng kiểu kiếm tiền trắng trợn, vô lý ngay trên những khoản chi thường xuyên vốn dĩ dễ phát hiện ra hơn các khoản khác? Thực tế, các bác sĩ này với vị thế, kinh nghiệm nghề nghiệp, đủ sức kiếm tiền nhiều từ phòng mạch riêng hay làm thêm ngoài giờ tại các bệnh viện tư, chứ cần gì các khoản chia (nếu có) vừa nhỏ nhoi vừa bất hợp pháp như thế này.
3. Một bằng chứng khác chứng minh rõ hơn cho lập luận trên là khi chuyện vỡ lỡ ra, các lãnh đạo trung tâm này đã lo thế nhà, vay mượn, vét sạch tích lũy của bản thân và gia đình để khắc phục thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng/hơn 6,3 tỷ đồng bị thiệt hại. Hành động đó của họ xuất phát từ sự lo sợ cho thanh danh của cơ quan, cho bản thân với mong muốn sự việc nhẹ đi theo hướng dân sự, tức là tự khắc phục hậu quả thất thoát tiền nhà nước từ những chữ ký của họ, chứ họ không hưởng lợi từ số tiền sai phạm này. Do vậy, trong phiên xử cuối, tòa cũng đã kết luận, họ không giúp sức cũng không hưởng lợi từ hành vi phạm tội nên không có trách nhiệm phải bồi thường số tiền mà bị cáo Hiển đã chiếm đoạt của Trung tâm y tế TP. Phan Thiết. Việc họ tự nguyện góp phần khắc phục 2,9 tỷ đồng từ những chữ ký thiếu trách nhiệm được ghi nhận, số tiền còn lại được tòa trả lại. Có thể thấy được về kinh tế, đó là số tiền lớn để bồi thường cho sự lơ là, song mất mát lớn hơn, đó là chính từ sự lơ là đó đã khiến họ mất cả danh dự một đời người. Trước khi trở thành bị cáo, họ từng là những bác sĩ có tài, có tâm, đã cứu giúp nhiều bệnh nhân và trong thời gian công tác, đã có nhiều thành tích cống hiến làm rạng danh cho đơn vị. Họ nhiều năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng nhiều bằng khen của Bộ Y tế và UBND tỉnh, được tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân… Và có ai ngờ đến một ngày, họ đã “ngã ngựa” từ chính sự lơ là trong quản lý. Âu đó cũng là bài học cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nhà nước.
Bích NghỊ